Một dự án ở huyện Mê Linh. Ảnh minh họa- X.Long
Điều này, gây lãng phí nguồn tài nguyên cùng các nguồn lực đang được nhiều người quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quy hoạch xây dựng, nhất là triển khai thực hiện nhiều dự án khu đô thị ở Vĩnh Phúc chưa sát với tình hình thực tế là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên.
Điển hình, Dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên nằm tại phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển xây dựng (DIC) tổ chức lễ động thổ tháng 12/2009. Tổng mức đầu tư Dự án này là 8.700 tỷ đồng, bằng nguồn vốn tín dụng thương mại, phát hành trái phiếu công trình và nguồn vốn của doanh nghiệp. Dự án có diện tích 446,92 ha, quy mô dân số gần 69.000 người, thời gian thực hiện dự án dự kiến khoảng 13 năm (2010-2023) chia làm 3 giai đoạn. Theo đó, từ năm 2010-2013, dự án hoàn thành giai đoạn I với diện tích 180-200 ha và từ năm 2014-2017, hoàn thành giai đoạn II với diện tích 100-120ha... Tuy nhiên, đến nay toàn bộ phạm vi dự án vẫn chỉ là đồng ruộng và nhiều nơi giải phóng mặt bằng, san lấp nhưng không triển khai thực hiện mà vẫn bỏ hoang.
Xem thị trường bất động sản vĩnh phúc mới nhất tại đây: https://cafeland.vn/chu-de-nong/bat-dong-san-vinh-phuc-986/
Tương tự, nhiều dự án khác ở thị xã Phúc Yên triển khai dang dở và bỏ hoang. Thậm chí, không ít nơi dự án được triển khai phần giải phóng mặt bằng, san lấp đã vô tình làm mất sự liên thông của hệ thống kênh mương nội đồng, ảnh hưởng đến khả năng tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.
Gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch khu đô thị đại học tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích 2.009 ha. Khu đô thị đại học này nằm phía Bắc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, thuộc địa bàn các phường Liên Bảo, Đồng Tâm và xã Định Trung (Vĩnh Yên); các xã Kim Long, Thanh Vân, Đạo Tú và Hướng Đạo (Tam Dương). Dự án do Sở Xây dựng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Diện tích khu đô thị nêu trên có đủ điều kiện xây dựng 12 trường đại học; đồng thời xây dựng phát triển các khu chức năng đô thị, các khu đô thị phụ trợ và hệ thống hạ tầng hiện đại đồng bộ... Có nhiều ý kiến cho rằng, Vĩnh Phúc cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, đánh giá tổng thể và toàn diện để mang lại tính khả thi cao, sát thực tế để khi triển khai thực hiện tránh sự sai lầm, lãnh phí.
Vài năm qua, một số trường, cơ sở đào tạo đã đến Vĩnh Phúc xin được giao đất với diện tích rất lớn vừa phục vụ giáo dục vừa xây dựng nhà ở đô thị nhưng cuối cùng lại rút lui hoặc để hoang hóa vì không có sinh viên đến học. Điển hình Dự án Trường Đại học dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư với kinh phí khá lớn, trong đó chi phí cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 93 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tập đoàn đã dừng triển khai dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc để tập trung đầu tư xây dựng Dự án trường Đại học Dầu khí Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, Trường Đại học Trưng Vương ở xã Kim Long, huyện Tam Dương nhiều năm liền không có sinh viên đến học và Trường này luôn vặng lặng, hoang vu.../.