Nhiều địa phương đang triển khai rà soát các dự án đầu tư nhằm rút giấy phép do đây là những dự án chủ đầu tư không thu xếp được vốn, hoặc do không có năng lực thực hiện.

Hiện Ban Quản lý các KCX - KCN TPHCM (Hepza) đã quyết định thu hồi 8 giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) của 8 dự án đã hết hiệu lực của giấy phép nhưng nhà đầu tư vẫn không có động tĩnh triển khai trên thực tế. Theo Hepza dự kiến, trong năm nay, số dự án có khả năng bị thu hồi GCNĐT sẽ lên đến con số gần 80 dự án. Tương tự, tỉnh Quảng Nam cũng ra quyết định rút giấy phép siêu dự án khu du lịch Bãi Biển Rồng có tổng mức đầu tư 4,15 tỉ USD do năng lực tài chính yếu kém của nhà đầu tư. Tỉnh này cũng đang tiến hành làm thủ tục rút giấy phép cho 4 dự án khác đều thuộc lĩnh vực bất động sản, du lịch, trong đó, một của nhà đầu tư Mỹ dự kiến đầu tư khu du lịch sinh thái biển cao cấp Pegasus Fund và một của nhà đầu tư Canada xây dựng khu du lịch Quê Việt, 2 dự án còn lại của các nhà đầu tư trong nước.

Tại Ninh Thuận, dự án Khu liên hợp thép Cà Ná có tổng vốn đầu tư lên tới 9,8 tỉ USD liên doanh giữa Tập đoàn Lion Group (Malaysia) với TCty Công nghiệp tàu thuỷ VN (Vinashin). Dự án dự kiến khởi công giai đoạn 1 cuối năm 2008, nhưng đến nay nhà đầu tư đã khẳng định không có năng lực tài chính để triển khai dự án. UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa có quyết định rút giấy phép dự án thép lớn nhất tỉnh này.

Một trong những lý do khiến nhiều dự án đầu tư bị kéo dài thường được chủ đầu tư lấy nê do khủng hoảng kinh tế, khiến việc thu xếp vốn gặp nhiều khó khăn. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, các dự án xin cấp phép ồ ạt vào thời gian trước, nay chậm triển khai phần nhiều đều liên quan tới năng lực nhà đầu tư. Có nhiều dự án như liên hợp luyện gang thép, nhà đầu tư không phải là những Cty lớn trong lĩnh vực này, đầu tư “tay ngang”, khi không thu xếp được vốn thì xoay sang gia hạn dự án. Không ngoại trừ nhiều chủ đầu tư xin cấp phép là nhằm mục đích giữ đất, rồi tìm đối tác bán lại dự án. Trong khi đó, để có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, nhiều địa phương đã phải tổ chức di dân, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, việc dự án bị “treo” tiến độ đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của hàng trăm hộ dân bị mất đất, ngân sách nhà nước phải chi hàng trăm tỉ đồng đầu tư hạ tầng, giờ để cỏ mọc.

Thực trạng này cũng khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về việc thu hút đầu tư bằng mọi giá của các địa phương, trong khi không chú trọng chất lượng dự án, thiếu thông tin về năng lực nhà đầu tư.


Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland