Những khó khăn liên quan đến vướng mắc về pháp lý, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền,… khiến nhiều dự án bất động sản tiếp tục chậm tiến độ.

Nhiều dự án đang chậm tiến độ

Tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 40 dự án vi phạm không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất. Trong đó, thành phố Phan Thiết có 13 dự án, thị xã Lagi có 8 dự án, huyện Hàm Thuận Nam có 10 dự án, huyện Bắc Bình có 8 dự án, huyện Tuy Phong có 5 dự án.

Đơn cử một số dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất tại thành phố Phan Thiết như, Khu du lịch sinh thái Oscar; Khách sạn nghỉ dưỡng Bình An-Mũi Né; Khách sạn du lịch Hữu Lợi; Dự án Sentosa Villa, The Balé; Khu biệt thự Revera Park; Khu du lịch Minh Sơn; Khu du lịch Thành Hưng;…

Tại tỉnh Quảng Trị cũng hiện có nhiều dự án bị chậm tiến độ, trong đó có nhiều dự án về đầu tư bất động sản.

Thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 19 dự án đã được cấp phép nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.

Đơn cử như, dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hồ Ái Tử của Công ty cổ phần đầu tư Sâm Cầm; Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE resort - Cửa Tùng, Quảng Trị của CTCP Tập đoàn AE; Dự án Khu đô thị du lịch Eden Charm của Công ty cổ phần DOBF; Dụ án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo của Công ty cổ phần Pacific Quảng Trị;…

Không riêng gì hai địa phương nêu trên, nhiều dự án bất động sản tại Quảng Bình được giao đất, cho thuê đất tại những vị trí thuận lợi, có giá trị thương mại cao nhưng vẫn bị chậm tiến độ.

Đơn cử, dự án xây dựng khu resort 3 sao tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới của Công ty cổ phần du lịch Sài Gòn – Quảng Bình không đảm bảo theo tiến độ cam kết. Dự án khách sạn 5 sao Fullman của Công ty cổ phần du lịch Sài Gòn – Quảng Bình cũng chậm tiến độ so với cam kết.

Khu resort Golden City của Công ty CP Golden City tại xã Bảo Ninh cũng chỉ mới san gạt mặt bằng, đang chậm tiến độ so với cam kết trong dự án đầu tư. Dự án khu nghỉ dưỡng Thanh Hà – Đá Nhảy của Công ty cổ phần Việt Thiên Bình chỉ mới thực hiện công tác san gạt mặt bằng.

Đồng hoàn cảnh nói trên, tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cũng có 35 dự án chưa sử dụng đất do chậm tiến độ đầu tư như, dự án Trung tâm Thương mại và Khách sạn 3 sao (Petro Mart) của Công ty CP DV&TM Petrolimex Lâm Đồng; Dự án Đà Lạt Plaza (Đầu tư Khu liên hợp Khách sạn - trung tâm thương mại) của Công ty CP Du Lịch Delta; Dự án Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Tâm Anh – Paradise của Công ty CP TV&ĐT Tâm Anh…

Không riêng gì các địa phương nêu trên, tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa,… cũng có nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ, dự án sử dụng đất không hiệu quả, gây lãng phí, trong đó có nhiều dự án đầu tư bất động sản.

Tiếp tục bị chậm tiến độ?

Bên cạnh những khó khăn như vướng mắc pháp lý, về giải phóng mặt bằng hay do tác động của dịch bệnh covid 19, thị trường bất động sản hiện đang tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn mới như sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu hụt dòng tiền,…

Thực tiễn này khiến cho nhiều dự án bất động sản đang chậm tiến độ thì nay tiếp tục đối diện với nguy cơ bị chậm tiến độ.

UBND thị xã Điện Bàn cho biết, các dự án Khu đô thị, nhà ở thương mại tại Đô thị mới Điện Nam Điện Ngọc đều khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và công tác rà soát quy hoạch để đảm bảo khớp nối hạ tầng kỹ thuật quy hoạch theo Quyết định 1253/QĐ-UBND ngày 24/6/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về điều chỉnh Quy hoạch phân khu 1/2000 tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Không riêng gì các dự án tại Đô thị mới Điện Nam Điện Ngọc mà hầu hết các dự án nằm ngoài đô thị này cũng có khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Tương tự như các dự án nêu trên, các dự án ven biển thị xã Điện Bàn cũng đều gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là 20m vệt cây xanh ven biển.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn.

Báo cáo về thực hiện việc công bố thông tin Nhà ở và thị trường Bất động sản quý 3/2022, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, các thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư dự án, giao đất cho nhà đầu tư sau khi trúng đấu thầu dự án còn gặp nhiều bất cập, chồng chéo gây nên lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện cho cơ quan nhà nước và cả nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các chính sách, quy định của pháp luật thời gian qua có cải thiện và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển tuy nhiên cũng chưa kịp thích ứng ngay với thị trường. Đặc biệt, các vướng mắc của đầu tư, kinh doanh bất động sản thường liên quan đến nhiều Luật, không thể sửa trong thời gian ngắn.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh các chính sách, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến luật và phê duyệt dự án.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, các doanh nghiệp bất động sản cần cơ chế hơn là hỗ trợ về tài chính, hay những hỗ trợ trong ngắn hạn. Điều này sẽ giúp cho thị trường phát triển ổn định, bền vững.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết thêm, theo khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% mức đầu tư dự án có sử dụng đất dưới 20ha, không thấp hơn 15% mức đầu tư dự án có sử dụng đất từ 20ha trở lên.

Điều này đồng nghĩa với việc chủ đầu tư có thể cần phải huy động vốn 80-85% tổng mức đầu tư dự án có sử dụng đất. Ngoài nguồn vốn chủ sở hữu ban đầu, thì trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án (chưa đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai) thì chủ đầu tư cần các nguồn bổ sung, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác trên thị trường.

Trước thực tiễn dòng tiền vào bất động sản nguy cơ bị thiếu hụt, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn đảm bảo theo quy định.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.