Với diện tích quy hoạch rộng hơn 485 ha và nguồn vốn dự tính đầu tư lên đến 500 triệu USD, dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng thuộc huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) có chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới.
Hình ảnh dang dở tại khu đất của Dự án Công viên Sài Gòn Safari. Ảnh: dantri.com.vn
"Tiền hậu bất nhất"
Ông Đoàn Văn Xuân (ngụ Ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây) cho biết: “Người dân chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với thành phố về chủ trương đầu tư dự án Công viên Sài Gòn Safari. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, huyện Củ Chi đã không hiệp thương giá đền bù với người dân, không có quyết định thu hồi đất, việc áp giá đền bù lại không hợp lý, không công bằng khiến người dân rất bức xúc”.
Gia đình ông Xuân có 17.827 m2 đất, biên bản kiểm kê ngày 17/10/2004 xác định đất của gia đình ông là đất vườn gò tự nhiên xen khu dân cư, đáng lẽ được hưởng khung giá 150.000 đồng/m2 nhưng Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi chỉ áp giá đất trồng cây ngắn ngày 75.000 đồng/m2, tổng cộng tiền đền bù hơn 1,4 tỷ đồng.
Theo phản ánh của nhiều người dân đang khiếu nại như hộ ông Đoàn Văn Lanh, Nguyễn Văn Ấn (đều ngụ Ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây), họ chỉ muốn huyện đền bù giá công bằng vì đất của họ là đất gò tự nhiên trong khu dân cư, đất trồng cây lâu năm, đáng ra phải được áp giá 150.000 đồng/m2 theo quy định nhưng thực tế chỉ được áp giá 60.000 đồng - 75.000 đồng/m2.
Trong khi đó, một số hộ có cùng loại đất, cùng vị trí liền kề, giáp ranh như hộ ông Lê Văn Bảnh, Nguyễn Xuân Tài hoặc thậm chí có một số hộ có đất bỏ hoang hoặc trồng cây hàng năm thì lại được đền bù giá đất 150.000 đồng/m2.
Về vấn đề này, ông Lê Minh Tấn lúc đó đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (hiện đang là Chủ tịch UBND huyện Củ Chi) khẳng định trong văn bản trả lời khiếu nại của người dân là đã có sự đền bù không công bằng và đã yêu cầu Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện thu hồi số tiền chênh lệch do áp giá bồi thường sai.
Trong công văn trả lời của Thanh tra Thành phố (tháng 8/2009) xung quanh đơn khiếu nại của 5 hộ dân gồm: ông Lê Văn Ghên, Huỳnh Văn Hải, Trương Thị Phức, Hà Thị Rắt, Lâm Thị Khiếu, xác định UBND huyện Củ Chi đã tự điều chỉnh mà chưa xin ý kiến chỉ đạo của thành phố về việc ghi nhận hiện trạng đất từ “đất trồng cây hàng năm trong khu dân cư” thành “đất trồng cây hàng năm ngoài khu dân cư” ảnh hưởng đến đơn giá chiết tính bồi thường cho hộ dân.
Đặc biệt, UBND huyện Củ Chi đã tự xác định lại phần đất của bà Hà Thị Rắt (mẹ ông Đoàn Văn Xuân) là “đất trồng cây lâu năm”, trong khi bản kiểm tra hiện trạng xác định là “đất vườn gò tự nhiên xen khu dân cư” để rồi chiết tính bồi thường theo đơn giá 75.000 đồng/m2 (thay vì 150.000 đồng/m2) là chưa đúng.
Trong khi khiếu nại của người dân chưa được giải quyết, vào tháng 6/2012, UBND huyện Củ Chi có công văn số 3719 gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh xin xác nhận 8 tiêu chí để xác định cụ thể hóa loại đất đền bù trong dự án. Công văn ghi còn 20 khiếu nại của người dân nên phải xin tiêu chí đền bù.
Như vậy, hàng trăm hộ mà UBND huyện đã đền bù trong 8 năm qua thì lấy tiêu chí nào để xác định loại đất? Liệu đây có phải là sự hợp thức hóa việc làm sai trái, không đúng quy trình của UBND huyện Củ Chi?
“Chữa cháy” cho sai lầm của mình, tháng 5/2013, UBND huyện Củ Chi có quyết định 4285 về việc bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Đoàn Văn Xuân với giá 150.000 đồng/m2, tổng cộng ông Xuân được bồi thường gần 2,8 tỷ đồng tiền đất và 2,7 tỷ đồng tiền lãi suất ngân hàng từ năm 2004 đến năm 2013.
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Xuân, hiện số tiền này vẫn đang nằm ở ngân hàng và phải chờ ý kiến của UBND Thành phố Hồ Chí Minh thì mới lấy ra được.
Tiến độ thực hiện quá chậm
Theo tìm hiểu của phóng viên, n gày 11/6/2004, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi 485,35 ha tạm giao cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn để bồi thường, giải phóng mặt bằng chuẩn bị đầu tư xây dựng Công viên Sài Gòn Safari; đến cuối tháng 6/2004, UBND Thành phố mới phê duyệt phương án giá đền bù.
Phải đến 5 năm sau (2009), Thảo Cầm Viên Sài Gòn mới tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch chi tiết 1/2000 và mặc dù đã tìm được công ty tư vấn nhưng đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng thuê tư vấn xây dựng dự án.
Tiếp đó vào năm 2011, UBND Thành phố Hồ Chí Minh lập Tổ công tác liên ngành phục vụ dự án Công viên Sài Gòn Safari, bà Nguyễn Thị Hiền Lương, lúc này đang là Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố làm Tổ trưởng nhưng nay bà Lương đã nghỉ hưu thế nhưng dự án vẫn chưa rõ “hình hài”.
Dự án đã khiến 705 hộ dân bị ảnh hưởng, thu hồi đất, sau hơn 10 năm chỉ mới đền bù giải phóng mặt bằng hơn 96%, vẫn còn 20 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường và 14 hộ đã nhận nhưng tiếp tục khiếu nại về giá các loại đất nông nghiệp.
Trên thực địa, “Công viên Safari” hiện chỉ là khu đất rộng mênh mông, ngút ngàn cỏ dại; trâu bò được chăn thả theo đàn. Hạ tầng chưa được đầu tư, dự án vẫn đang "giẫm chân tại chỗ". Ngay cả khu tái định cư mà theo chỉ đạo của UBND thành phố phải hoàn thành tái định cư trong quý IV/2014 mặc dù đã được san ủi nhưng vẫn chỉ là bãi đất trống mênh mông, người dân thấy bỏ hoang, tiếc quá nên đã chủ động trồng sắn, hoa màu.
Liên quan đến dự án "Công viên Safari", UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn giao UBND huyện Củ Chi phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân nhằm giải quyết phản ảnh, kiến nghị; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để đưa đất vào khai thác, sử dụng theo quy hoạch.
Theo UBND Thành phố, hiện nay tiến độ triển khai dự án quá chậm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân, tạo tâm lý và dư luận không tốt, gây khó khăn trong công tác bảo vệ khu đất và công tác trồng cây phủ xanh; dẫn đến tình trạng khiếu nại.
Vì vậy, lãnh đạo Thành phố đã giao UBND huyện Củ Chi khẩn trương tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm trễ tiến độ dự án; chỉ đạo ban quản lý dự án hoàn tất các thủ tục pháp lý, khởi công dự án chậm nhất trong tháng 8/2014 và xây dựng hoàn thành trong tháng 8/2015.
-
Thu hồi đất để làm đường, cây trồng trên đất có được bồi thường?
Vườn nhà tôi rộng 2.300 m2, trong đó có 200m2 là đất ở còn lại là đất trồng cây lâu năm và ao nuôi cá.
-
Quản lý đất đai: Buông lỏng kỷ cương, chạy theo lợi nhuận doanh nghiệp
CafeLand - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc để xảy ra tình trạng vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai có sự tiếp tay của cá nhân, tổ chức. Việc xử lý sai phạm chưa dứt điểm gây hoài nghi trong dân....
-
Giá đất đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng: Vì sao thấp xa giá thị trường?
Việc áp giá thị trường khi bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) làm dự án đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, UBND các tỉnh, thành phố thường đưa ra mức giá thấp hơn giá thị trường khi thu hồi đất để thực hiện dự án. Việc này dẫ...