22/06/2019 8:15 PM
CafeLand - Thanh tra Chính phủ vừa công bố văn bản thông báo kết luận thanh tra toàn diện về dự án Thảo Cầm Viên mới tại huyện Củ Chi, TP.HCM (công viên Sài Gòn Safari).

Dân khiếu kiện, dự án bỏ hoang

Năm 2004, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 2706/QĐ-UB ngày 11/6/2004 về thu hồi và tạm giao 485,35ha đất cho Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn để bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng Công viên Thảo cầm viên. Thế nhưng, đến nay đã 14 năm, dự án này gần như đứng nguyên tại chỗ.

Theo Thanh tra Chính phủ, dự án Công viên Sài Gòn Safari có quy mô lớn, diện tích đất phải thu hồi rất rộng, là dự án trong lĩnh vực về văn hóa, du lịch nhưng UBND TPHCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý theo quy định.

Việc khiếu nại của các hộ dân, đất thu hồi xong đến nay chưa được đưa vào sử dụng khiến dự án Sài Gòn Safari bị bỏ hoang nhiều năm

“UBND Thành phố giao cho Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án trong khi công ty này không đủ năng lực thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nay dự án chưa triển khai được. Trách nhiệm này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố giai đoạn 2001 – 2006”, văn bản của Thanh tra Chính phủ nêu.

Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn cũng không xây dựng kế hoạch đấu thầu với gói thầu tư vấn lập quy hoạch chi tiết 1/2000 để trình Sở Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt là vi phạm quy định. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc công ty Thảo cầm viên Sài Gòn. Giám đốc sở Sở Giao thông Vận cũng chịu trách nhiệm liên đới vì không kịp thời kiểm tra, đôn đốc.

Đáng chú ý, sau gần 13 năm kể từ khi UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận chủ trương tuyển chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch phân khu 1/2000 công viên Sài Gòn Safari, đồ án quy hoạch mới hoàn thành và được phê duyệt là thời gian quá dài.

Thanh tra Chính phủ đánh giá, ngoài nguyên nhân khách quan là giá thuê chuyên gia nước ngoài quản lý dự án khá cao, không phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước còn có lỗi chủ quan từ phía các cơ quan chức năng của TP.HCM chưa cố gắng tìm giải pháp phù hợp để báo cáo xin chỉ đạo của Thủ tướng.

Do đó, thiết kế quy hoạch xây dựng chi tiết (1/2000, 1/500) là tài liệu quan trọng đề quyết định đầu tư dự án nhưng không được quan tâm phê duyệt kịp thời. Trách nhiệm này thuộc UBND Thành phố, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, việc áp giá đền bù chưa phù hợp làm phát sinh chi phí tăng thêm gần 105 tỉ đồng. Dù chưa phát hiện dấu hiệu vụ lợi nhưng Thanh tra Chính phủ đề nghị phải kiểm điểm nghiêm túc. Số tiền này đã được chi trả đầy đủ và các Bộ, ngành trung ương thống nhất không thu hồi lại từ người dân nhưng UBND TP.HCM cần cân đối vốn từ ngân sách địa phương để chi trả, hỗ trợ.

Trách nhiệm thuộc UBND TP.HCM, Hội đồng thẩm định Bồi thường Giải phóng mặt bằng Thành phố và Hội đồng thẩm định Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi.

Việc xây dựng khu tái định cư đến nay vẫn chưa được thực hiện mặc dù đã được thẩm định, phê duyệt, có mặt bằng và nguồn kinh phí. Các cơ quan liên quan lại cho phép người dân tạm cư tại chỗ. Hậu quả của việc chậm trễ xây dựng khu tái định cư, không bố trí, chi tiền tạm cư là lý do người dân khiếu nại, chưa chịu bàn giao mặt bằng.

Trách nhiệm này thuộc về Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Củ Chi, UBND huyện Củ Chi và Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn.

Cuối cùng, về việc khiếu nại của các hộ dân, đất thu hồi xong đến nay chưa được đưa vào sử dụng khiến dự án Sài Gòn Safari bị bỏ hoang nhiều năm dẫn đến việc người dân bức xúc, khiếu kiện tăng dần.

Thanh tra Chính phủ xác định quá trình thu hồi đất có nhiều sai sót, làm thất thoát ngân sách Nhà nước nhưng đều theo hướng có lợi hơn cho người bị thu hồi đất. Nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện hiện nay là đã gần 14 năm dự án chưa được triển khai xây dựng và có sự so bì giữa các hộ dân có đất bị thu hồi.

Kiến nghị kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan

Dựa trên kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.HCM thực hiện sáu công việc.

Đầu tiên là kiểm tra, giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại nằm trong quy hoạch dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai là việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng công viên Sài Gòn Safari phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật để lựa chọn nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài có đủ kinh nghiệm và năng lực tài chính thực hiện dự án.

Thứ ba là tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân có liên quan đã được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Thứ tư là yêu cầu TP.HCM sớm rà soát, hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về chủ trương, quy mô, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan đến dự án công viên Sài Gòn Safari.

Thứ năm là khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư cho người dân.

Và cuối cùng, UBND TP.HCM cần yêu cầu Sở Tài chính, công ty Thảo cầm viên Sài Gòn và UBND huyện Củ Chi tiếp tục thực hiện việc quyết toán các gói thầu theo đúng quy định. Tập trung rà soát, đối thoại để giải quyết dứt điểm khiếu nại của công dân liên quan đến dự án Sài Gòn Safari.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.