Theo đó, chiều 28/11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu và ông Võ Văn Hoan chủ trì buổi tiếp công dân khiếu nại tại dự án Safari. Dự buổi tiếp công dân có đại diện Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân trung ương, các sở ngành và hàng trăm hộ dân thuộc dự án.
Chiều 28/11/2019, TP.HCM đã chính thức kiểm điểm trách nhiệm 8 đơn vị liên quan do để xảy ra sai phạm tại dư án Thảo cầm viên mới - Sài Gòn Safari.
Kiểm điểm 8 đơn vị liên quan
Liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra và chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, UBND TP.HCM đã thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, rà soát và đề xuất cụ thể các nội dung liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế địa phương và công bằng cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Đồng thời, kiểm tra, giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại nằm trong quy hoạch của dự án theo đúng quy định.
Theo thông báo kết quả tổ công tác thực hiện 5 nội dung theo yêu cầu của kết luận Thanh tra Chính phủ, TP.HCM đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc 8/8 đơn vị gồm các sở Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông Vận tải, Xây dựng, UBND huyện Củ Chi và Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP và Sở Tài nguyên - Môi trường.
Hiện Sở Nội vụ đã tổng hợp và dự thảo báo cáo kết quả kiểm điểm của 8 đơn vị trên. Sở Quy hoạch kiến trúc đang tổng hợp góp ý của các sở ngành liên quan về quy hoạch 1/2000 của dự án để trình Thành phố. Sở Kế hoạch - Đầu tư đang tham mưu đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án.
Mặc dù kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của TP HCM chưa được Thủ tướng phê duyệt nhưng UBND TP vẫn ra quyết định thu hồi đất giao dự án cho Thảo cầm viên mới - Sài Gòn Safari
Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị thu hồi đất
Về phía UBND huyện Củ Chi, thi công hạng mục hạ tầng của 5 khu đất thuộc dự án khu tái định cư với tổng diện tích 9,5ha, gồm 161 nền. Dự kiến tháng 12-2019, huyện tổ chức cho các hộ dân bốc thăm nhận 161 nền đất tái định cư. Bên cạnh đó, Tổ công tác liên ngành cũng đã có tờ trình cho thường trực UBND Thành phố sử dụng nguồn ngân sách Thành phố cho trả tiền tạm cư cho 220 hộ dân với số tiền hơn 75 tỉ đồng.
Hiện nay, diện tích huyện đã cắm mốc là 405ha giao cho chủ đầu tư, còn lại hơn 81ha huyện đang thống kê, xác định vị trí, một phần do người dân chưa giao. Dự kiến tháng 12-2019 hoàn thành việc quản lý diện tích này...
Trao đổi tại buổi tiếp dân, ông Ngô Minh Châu, khẳng định: "Lãnh đạo UBND Thành phố muốn lắng nghe ý kiến của các hộ dân và trao đổi về cách thức thực hiện trên tinh thần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất...".
Dự án gần 14 năm nằm trên giấy
Như DĐDN đã thông tin trước đó, mặc dù kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của TP HCM chưa được Thủ tướng phê duyệt nhưng UBND TP vẫn ra quyết định thu hồi đất giao dự án cho Thảo cầm viên mới - Sài Gòn Safari. Trước những vấn đề nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã chính thức vào cuộc và phát hiện ra nhiều sai phạm. Đáng chú ý, dự án này trong suốt gần 14 qua năm nhưng vẫn nằm trên giấy nhưng lại gây thất thoát hơn 100 tỷ đồng gây bức xúc trong dư luận trong suốt thời gian qua.
Dự án Sài Gòn Safari được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới.
Trong kết luận thanh tra công bố ngày 21/6, Thanh tra Chính phủ (TTCP), xác định: Nguyên nhân dẫn đến các sai phạm tại dự án Safari là “do các cơ quan chức năng thành phố chưa cố gắng tìm giải pháp phù hợp để xin chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh đó, thiết kế quy hoạch xây dựng chi tiết (1/2.000, 1/500) là tài liệu quan trọng để quyết định đầu tư dự án nhưng không được các đơn vị quan tâm phê duyệt. Trách nhiệm này thuộc UBND Thành phố, các sở Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Giao thông Vận tải và Quy hoạch Kiến trúc”.
Dự án Sài Gòn Safari hiện có 171 hộ khiếu nại và dự án đến nay vẫn chỉ ở tình trạng "treo" và trở nên hoang hóa.
Cũng theo kết luận thanh tra, UBND TP HCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý, giao Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn Safari không đủ năng lực làm chủ đầu tư. Đây là nguyên nhân mà suốt 13 năm qua dự án vẫn chưa triển khai. Trách nhiệm thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2001-2006.
Về kế hoạch sử dụng đất, TTCP cho rằng, năm 2004 UBND TP HCM ban hành quyết định thu hồi và tạm giao hơn 485 ha đất cho Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn để bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án là chưa đầy đủ thủ tục pháp lý. Việc Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn, không xây dựng kế hoạch đấu thầu tư vấn lập quy hoạch chi tiết 1/2000 để trình Sở GTVT phê duyệt là vi phạm quy định của Chính phủ. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khi đó liên đới chịu trách nhiệm vì đã không đôn đốc thực hiện.
Bên cạnh đó, suốt 13 năm kể từ ngày UBND TP HCM có văn bản chấp thuận chủ trương tuyển chọn đơn vị tư vấn để lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, đồ án quy hoạch mới hoàn thành và đuợc phê duyệt là thời gian quá dài.
Trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, TTCP cho rằng, dự án không có phương án đền bù theo quy định, áp giá đền bù chưa phù hợp làm phát sinh chi phí hơn 104 tỷ đồng. "Số tiền này đã được chi trả đầy đủ cho người dân. Dù chưa phát hiện có dấu hiệu vụ lợi, song phải kiểm điểm một cách nghiêm túc" - kết luận thanh tra nêu.
Dự án Sài Gòn Safari Cách trung tâm 50 km, dự án Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi, TP HCM) có quy mô lớn, diện tích phải thu hồi rất rộng (hơn 485 ha), tổng số vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD. Đây là dự án được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới. Dự án Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng thuộc huyện Củ Chi, có diện tích hơn 485ha, được cấp phép từ năm 2004 do Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án Sài Gòn Safari đã bỏ hoang dự án đến nay là gần 14 năm. Hiện chủ đầu tư không đủ khả năng để thực hiện. Trong khi dự án đã thu hồi gần 500ha đất rồi bỏ hoang, còn người dân không có đất sản xuất, không có nơi ở Trên thực tế có 705 hộ bị thu hồi đất, đến nay công viên này vẫn chỉ ở tình trạng "treo" và trở nên hoang hóa. Trong đó có 443 hộ đủ điều kiện tái định cư (trong đó số hộ đăng ký tái định cư tập trung là 247 hộ, 196 hộ nhận tiền hỗ trợ 20% giá trị đất để tự lo nơi ở mới). Hiện có 171 hộ khiếu nại và dự án đến nay vẫn chỉ ở tình trạng "treo" và trở nên hoang hóa. Tháng 5-2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận chủ trương giao cho đơn vị khác nghiên cứu đầu tư dự án. |