Nhìn lại một năm “bĩ cực”
2024 là năm đầy thách thức đối với Việt Nam bởi đã có rất nhiều biến động về địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Xung đột tại Ukraine hay Trung Đông và mới đây thêm những biến cố tại Hàn Quốc và Syria là những điểm nóng hiện nay. Một sự kiện đáng chú ý khác là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sự thắng cử của ông Donald Trump cho nhiệm kỳ thứ hai 2025-2029.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu những yếu tố này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tài chính và các thị trường khác trên thế giới. Việt Nam, với độ mở lớn vào thị trường quốc tế, không nằm ngoài vòng tác động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn còn đối diện với một số thách thức. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 96.200 doanh nghiệp, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 57.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,9%; gần 19.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 19,8%. Bình quân một tháng có hơn 15.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Hơn 90% số doanh nghiệp rút lui là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là nhóm đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế nhưng cũng dễ tổn thương nhất trước biến động. Các số liệu trên cho thấy, tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp vẫn chưa thật sự bền vững và chưa hoàn toàn được vực dậy sau những khó khăn diễn ra liên tục kể từ thời điểm hậu Covid-19 đến nay. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu. Song, doanh nghiệp vẫn đang đối diện với khó khăn từ bên ngoài và từ chính nội tại nền kinh tế.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từng chia sẻ trên báo giới rằng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, khi trở ngại trong tiếp cận đất đai, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang gặp phải nhiều khó khăn liên quan đến tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Tại các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ về những khó khăn mà họ đang phải đối mặt. Trong đó, khó khăn về nguồn vốn là “nặng gánh” nhất.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do những năm qua tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, ngân hàng hạ hạn mức cho vay và nâng tỷ lệ thế chấp. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng tới chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, cho biết có hai giai đoạn để diễn tả về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, kéo dài từ 2020 đến nay. Đó là giai đoạn dịch Covid-19 và giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
“Ở cả hai giai đoạn, chúng tôi đều gặp nhiều khó khăn về bán hàng, gặp khách hàng chốt giao dịch và thiếu vốn. Thanh khoản sụt giảm, để cầm cự đến hôm nay, doanh nghiệp phải tiến hành tái cơ cấu, thu gọn bộ máy để tiết giảm chi phí, đồng thời chấp nhận bán bớt tài sản và vay ngân hàng để có dòng tiền thu chi. Tôi cho rằng, đó cũng là những khó khăn mà các doanh nghiệp khác phải đối mặt”, ông Quê chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group cũng cho biết, ngoài những vướng mắc pháp lý, thì “đói vốn” chính là nguyên nhân khiến cho sức khoẻ doanh nghiệp lâm vào tình trạng “suy kiệt”. Trên thị trường bất động sản, việc này kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. “Khó khăn trong việc huy động vốn khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm nghiêm trọng, do các dự án đang triển khai buộc phải tạm dừng, giãn, hoãn vì không có vốn thanh toán cho nhà thầu, trả lương cho công nhân”, ông Khánh nói.
Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản liên quan đến hàng chục lĩnh vực khác trên thị trường, góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. “Do đó, khi bất động sản tắc nghẽn về dòng tiền, các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Khánh nhấn mạnh.
Chưa kể, điều kiện cho người dân vay mua nhà, kể cả đối với các dự án nhà ở xã hội đang có xu hướng thắt chặt cũng làm ảnh hưởng đến đầu ra của thị trường.
Thanh khoản sụt giảm, để cầm cự đến hôm nay, doanh nghiệp phải tái cơ cấu, thu gọn bộ máy để tiết giảm chi phí, đồng thời chấp nhận bán bớt tài sản.
Lý giải về thực tế này trước Quốc hội vào cuối tháng 10 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng (TCTD) được tự ra quyết định cấp tín dụng cho khách hàng cũng như tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất, kỳ hạn vay. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp thông thường khác, khi cho vay, các TCTD ngoài mục tiêu lợi nhuận còn phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo khả năng thu hồi vốn, khả năng chi trả cho người gửi tiền. Việc này không chỉ nhằm đảm bảo an toàn của TCTD đó mà còn để đảm bảo an toàn hệ thống và cả nền kinh tế. “Chính vì vậy, có những dự án bất động sản khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn phải từ chối cho vay nếu không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn trong khi nhu cầu thị trường bất động sản chủ yếu lại là vay dài hạn”, Thống đốc cho biết.
Cùng với đó, không ít doanh nghiệp cũng phản ánh đang phải gánh áp lực cao về chi phí thuê mặt bằng khi thị trường bất động sản không ổn định và có xu hướng tăng giá cao trong thời gian qua.
Triển vọng lạc quan trong năm 2025
Khó khăn là thực trạng chung của các doanh nghiệp trong năm 2024. Tuy nhiên, ở góc độ lạc quan, bức tranh kinh tế năm vừa qua đã có thấy nhiều điểm sáng với mức tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%).
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2025 có thể đạt từ 6,6 - 6,8% hoặc có thể đạt mứccaohơntừ7-7,5%.
Bên cạnh đó, kết quả ngắn hạn về kinh tế - xã hội trong 11 tháng qua về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu ròng đều tích cực. Số liệu tín dụng hiện tại tăng trưởng khoảng 12% hết 11 tháng và NHNN vừa công bố tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với khoảng 9% của năm ngoái.
Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy trong bối cảnh hiện tại, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc điều hành Khoa Tài chính – Ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi, cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn khó khăn và bước vào chu kỳ phục hồi, với sức bật mạnh mẽ từ sự ổn định vĩ mô và các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Sự phục hồi không chỉ thể hiện ở các chỉ số kinh tế mà còn lan tỏa đều đến mọi ngành nghề và tầng lớp xã hội. Điều đáng chú ý là quá trình phục hồi này không diễn ra đột ngột mà mang tính tuần tự, từ nền tảng kinh tế vĩ mô đến các ngành công nghiệp chủ chốt, trước khi thẩm thấu đến đời sống người dân. Đây là minh chứng rõ nét cho sự ổn định và bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, khi mọi thành phần trong xã hội đều được hưởng lợi từ sự phục hồi này. “Năm 2025 không chỉ là thời điểm phục hồi, mà còn là năm nền tảng để xây dựng một nền kinh tế vững vàng cho giai đoạn 2025-2030, với các mục tiêu tăng trưởng bền vững và hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu”, ông Huy nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dự báo về một chu kỳ mới trong 2025. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng sự điều hành của Chính phủ ngày càng uyển chuyển, linh hoạt và hiệu quả. “Về kinh tế vĩ mô, năm 2025, chúng ta sẽ giữ được kết quả như chúng ta đã và đang thực hiện được. Về thể chế, đây là một thời kỳ mà chúng ta có chất lượng thể chế được cải thiện rất tốt, hướng đến việc đồng bộ hóa toàn bộ nội dung của các luật”, ông Đính nhấn mạnh.
Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT, cho rằng một số động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2025 bao gồm: lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm 2025; cả ba khu vực kinh tế tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn; mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước; tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng; đường điện cao thế 500kv mạch 3 được đưa vào khai thác giúp đảm bảo ổn định năng lượng giữa các vùng, nhất là vào mùa khô.
Thu Ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng mạnh là cơ sở để Nhà nước tiếp tục tăng chi đầu tư công và chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển trong năm 2025.
Ngoài ra, theo ông Khôi, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết. “Thể chế phát triển cho năm 2025 sẽ thuận lợi hơn nhờ nội dung hoàn thiện thể chế có những đổi mới dễ nhận diện, dễ quan sát hơn”, ông Khôi nói.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, dữ liệu từ năm 2024 đã vẽ lên một bức tranh rõ ràng là doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ nội tại yếu kém đến sức ép từ thị trường và kinh tế toàn cầu. Để giảm thiểu số lượng doanh nghiệp rút lui, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Chính phủ, ngân hàng và chính các doanh nghiệp.
“Thay đổi tư duy quản trị, chuyển đổi số mạnh mẽ và thúc đẩy thị trường nội địa sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn mình trong năm 2025. Đây không chỉ là bài toán sinh tồn mà còn là cơ hội để định hình một nền kinh tế phát triển bền vững hơn”, ông Huy dự báo.
Đưa ra dự báo về ảnh hưởng của tình hình thế giới đối với Việt Nam trong thời gian tới, ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VnDirect, tin rằng chính sách sắp tới của Tổng thống Donald Trump về tăng thuế quan với Trung Quốc, Mexico, Canada sẽ mang tới cơ hội cho Việt Nam.
“Tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ từ Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã đạt mức 25%/năm sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, đặc biệt xuất khẩu B2B. Về việc liệu Mỹ có áp thêm thuế quan lên Việt Nam hay không, tôi nghĩ có lẽ là không. Lý do ông Trump áp thuế không chỉ đến từ số liệu về thặng dư thương mại với Mỹ mà còn từ những vấn đề khác như cạnh tranh Trung hay vấn đề về nhập cư với Mexico. Tôi nghĩ thay vì thuế quan, Mỹ sẽ tập trung hơn vào các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ. Vấn đề các nước lợi dụng Việt Nam để né thuế Mỹ cần phải đặc biệt lưu ý”, vị này cho hay.
Theo ông Barry Weisblatt David, rủi ro lớn nhất không đến từ thương mại mà đến từ lạm phát. “Kịch bản trước đây của chúng tôi về dự báo Fed có thể hạ lãi suất 3 lần trong năm tới đang gặp thách thức do rủi ro lạm phát từ chính sách của ông Trump. Với việc chỉ số đồng USD cao, tỷ giá VNĐ sẽ chịu nhiều áp lực và ảnh hưởng tới diễn biến thị trường chứng khoán trong nước. Chúng tôi cũng để ngỏ rủi ro Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất nếu áp lực tỷ giá vượt ngoài tầm kiểm soát do những biến động về chính sách thương mại của ông Trump trong năm tới”, vị chuyên gia dự báo.
Lạm phát trong tầm kiểm soát, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế.
-
Hé lộ 5 dự báo kinh tế toàn cầu năm 2025
"Nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi. Lạm phát giảm theo mục tiêu của ngân hàng trung ương, trong khi tăng trưởng vẫn ổn định", Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann nhận định.
-
Bất động sản phía Bắc gọi tên phân khúc nào trong năm 2025?
Trong năm 2024, thị trường bất động sản phía Bắc với tâm điểm là Hà Nội đã có những “pha” gây chấn động dư luận đến từ hai phân khúc chủ đạo là căn hộ chung cư và đất đấu giá. Trong số những dự báo cho năm sau, diễn biến “sốt, nóng” có tiếp tục diễn ...
-
Đòn bẩy dài hạn cho thị trường bất động sản
Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, tăng cường kết nối vùng miền và gia tăng giá trị bất động sản. Sự bùng nổ hạ tầng không chỉ thúc đẩy thị trường bất động sản mà còn tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế bền vững....
-
2025 sẽ là năm của khách thuê văn phòng Hà Nội?
Thị trường Hà Nội đã đạt sự đa dạng và phân hóa về vị trí các khu hành chính/văn phòng. Chính bởi vậy, khách thuê có nhiều sự lựa chọn hơn, và các lựa chọn của khách thuê sẽ không bị gói gọn giới hạn tại một khu vực nữa. Điều này đồng nghĩa với việc ...