Rầm rộ khởi công
Làn sóng các dự án BĐS thương mại chuyển sang nhà xã hội tăng mạnh. Theo thống kê, cả nước có khoảng 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 31.000 căn hộ, chủ yếu ở các đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Từ nay đến hết tháng 6, Hà Nội có khoảng 6 dự án nhà ở xã hội được khởi động.
Dự án đầu tiên chuyển đổi sang hình thức nhà ở xã hội đã được khởi công tại huyện Quốc Oai vào cuối tuần qua. Đây là dự án nhà ở thương mại được cho phép chuyển đổi từ dự án chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội cung cấp 500 căn hộ với diện tích từ 30m2 đến 70m2/căn, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2015.
Cách đó vài ngày, HUD đã động thổ Dự án khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) với nguồn cung 1.037 căn hộ. Giai đoạn 2013-2015, HUD dự định xây 4.950 căn hộ nhà ở xã hội, 2016-2020 là trên 20 nghìn căn hộ. Viglacera cũng đã khởi công 2.500 căn nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá II, Gia Lâm, Hà Nội.
Tại Hà Đông, Hà Nội vừa chấp thuận Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sông Đà được chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đối với toà nhà SDU (Trần Phú, Hà Đông). Ngoài dự án này, hiện còn có 2 dự án khác là khu nhà ở Trung Văn mở rộng tại Từ Liêm và tổ hợp chung cư AZ Thăng Long cũng đã được thành phố chấp thuận về nguyên tắc. Tập đoàn Nam Cường cũng lập dự án khu đô thị 140 ha tại Đại Mỗ, trong đó sẽ dành 10-15 ha để làm nhà xã hội.
Đến nay, toàn quốc có 157 dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng, với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng. Một số dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn được triển khai như dự án nhà ở an sinh xã hội ở Bình Dương với 64.000 căn, đã hoàn thành 4.700 căn; dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với quy mô 20.000 căn.
Theo Bộ Xây dựng, tổng hợp nhu cầu của các địa phương trên địa bàn cả nước cho thấy từ nay đến năm 2020 cần khoảng gần 1 triệu căn hộ. Riêng Hà Nội, nhu cầu nhà ở công chức, viên chức của các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan sự nghiệp theo đăng ký xấp xỉ 30 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. Chỉ cần đáp ứng đủ 70% nhu cầu đăng ký thì Hà Nội cũng cần xấp xỉ 20 nghìn căn hộ phải làm trong thời gian tới.
Giá không rẻ?
Nếu như trước đây các dự án nhà ở xã hội hấp dẫn người dân bởi giá thấp chỉ khoảng 14-15 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay, so với giá nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đang có mức giá gần tương đương.
Đơn cử như dự án ở Quốc Oai, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ dưới 10 triệu đồng/m2. Mức giá thành dự kiến thấp nhất chỉ khoảng 250 – 300 triệu đồng/căn. Nhà ở xã hội khu đô thị Tây Nam Linh Đàm giá dự kiến của dự án được đưa ra là 12 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, xét về yếu tố vị trí, tiến độ giao nhà so với một số dự án nhà ở thương mại, sức hấp dẫn của nhà ở xã hội không còn, chưa kể tới các thủ tục không phải người dân nào cũng có thể mua được.
Thời gian qua không ít dự án nhà ở xã hội chào bán nhiều lần nhưng vẫn ế bởi vị trí xa trung tâm.
Đại diện một chủ đầu tư nhà giá rẻ đình đám ở Hà Nội nói: “Nhiều người cho rằng, để xây dựng nhà giá rẻ, nhà ở xã hội vị trí dự án phải nằm xa trung tâm. Theo tôi thì ngược lại, dự án không thể cách xa trung tâm, thậm chí phải có vị trí thuận lợi để người nghèo có thể tiếp cận dịch vụ, hạ tầng xã hội đồng bộ, tạo cơ hội cho họ vươn lên thoát nghèo. Nếu không, chi phí hàng ngày của người thu nhập thấp càng lớn.”
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, nếu nhà ở xã hội được xây tại Linh Đàm thì có thể bán hết ngay, nhưng nếu xây tại An Khánh hay xa hơn như Mê Linh, Sóc Sơn thì cần phải nghiên cứu thật kỹ. Bởi không phải cứ giá rẻ là có người mua ngay.
"Bài học về những căn hộ giá rẻ tại Đặng Xá, Kiến Hưng bán mãi không hết rất đáng để suy nghĩ". Theo ông Liêm, tình trạng những khu đô thị “ma” hay những tòa nhà chung cư không được lấp đầy là một minh chứng cho sự phát triển thiếu quy hoạch và kế hoạch.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, việc ồ ạt xây dựng nhà ở xã hội nếu không có quy hoạch và kế hoạch cụ thể, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, rất có thể, đến lúc nào đó, phân khúc này cũng lại rơi vào tình trạng dư thừa.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện sàn Info cho rằng, việc hoạch định xây dựng nhà ở xã hội gần như chưa có, các giải pháp hiện tại vẫn chỉ là các giải pháp tình thế chưa có chiến lược cụ thể và định hướng dài hạn. Điều này có thể phải trả đắt trong tương lai, nhãn tiền của các hậu quả này chính là các khu tái định cư trên địa bàn Hà Nội có vị trí đẹp nhưng chất lượng xây dựng và vận hành rất yếu kém làm mất mỹ quan thành phố.