Cô Vân đang rao bán căn nhà 3 tầng có mặt bằng rộng khoảng 8m2 với giá 450 triệu trong ngõ Hàm Tử Quan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cô cho biết nếu chưa kể tầng tum thì diện tích sử dụng cũng đã lên tới 24 m2, do đó, mức giá này là "chấp nhận được". Căn nhà 3 tầng không sổ đỏ, chỉ có giấy trao tay kèm xác nhận của tổ trưởng. Người bán nhà tiết lộ, nhà cô ở đây đã hai đời và chưa bao giờ phải lo lắng về chuyện sổ đỏ, sổ hồng. "Nhà ngay chợ thuận tiện cho việc mua bán, nếu có duyên mua, tôi sẵn sàng bớt chút ít", cô chia sẻ.
Trên một số trang mạng rao vặt, thông tin rao bán nhà riêng lẻ với giá dưới 500 triệu đồng mỗi căn nhiều vô kể. Hầu hết những nhà rao bán đều là những căn siêu bé diện tích 8-15 m2 ở các quận như Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa... Một chủ nhà đang rao bán nhà cấp 4 rộng 15 m2 phố Thái Hà khoe nhà có gác xép, điện nước công tơ riêng đầy đủ và chỉ 250 triệu đồng nhưng không giấy tờ.
Những căn nhà nhỏ, bé tin hin nhiều nhan nhản. Ảnh: Khánh Huyền. |
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay, không ít căn hộ trên các phu khố cổ có nhà diện tích "tin hin" nhưng giá bán khoảng trên dưới 100 triệu đồng mỗi m2. Chị Thu đang có nhu cầu rao bán một căn nhà rộng 10m2 ở khu phố chợ Đồng Xuân với giá khoảng 1 tỷ đồng cho hay: "Căn nhà ở trong biệt thự Pháp cổ, phía trên là các hộ khác, giấy tờ đầy đủ". Theo chị, căn hộ mini thế này phù hợp với những người độc thân, hoặc bà mẹ đơn thân. Khách có thể cho thuê nếu không muốn ở vì vị trí nằm ngay trên trong phố cổ, thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán.
Nhà mặt phố sở dĩ đắt do gắn liền với kinh doanh buôn bán. Chị Vân Anh, một khách hàng cho biết, với số tiền góp vốn khoảng 800 triệu đồng, chị đang muốn mua một căn hộ nhỏ ở phố hàng để mở cửa hàng thời trang nhỏ. Cũng coi như là một cách giữ tiền tiết kiệm trong lúc bí kênh đầu tư. Sống hai đời ở thủ đô, chị sẵn sàng chấp nhận mua nhà chật một chút miễn sao ở trung tâm thành phố. "Quan trọng nhất phải có giấy tờ đầy đủ, để khi giải tỏa còn được đền bù", chị nói.
Cũng theo lời chị Vân Anh, một người bạn của chị, trước đây cũng sống ở phố Hàng, sau đó, nhà vướng dự án nên dù chỉ rộng 19 m2 cũng được đền bù vài tỷ. "Người bạn này sau đó đã đủ tiền mua biệt thự ở trong một dự án lớn phía tây thành phố. Tôi không kỳ vọng được như vậy, nhưng có giấy tờ vẫn an tâm hơn", chị chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Công ty Bất động sản Phương Đông cho biết, tại thời điểm năm 2010, nhiều người mua bỏ ra 400-500 triệu đồng mỗi m2 để mua một căn một căn nhà nhỏ ở phố là chuyện bình thường. Nhưng hiện tại, do địa ốc trầm lắng, nên người mua dè dặt hơn, họ cân nhắc kỹ lưỡng lợi thế kinh doanh trước khi bỏ tiền ra mua. "Người mua trong thời điểm này đều quan tâm đến giấy tờ pháp lý. Số đông vẫn ở tâm lý dè dặt bắt đáy thị trường", ông nói.
Ông Phạm Thanh Hưng, Tổng giám đốc Cen Group nhìn nhận, những căn hộ mang diện tích siêu nhỏ giống như một ki-ốt bán hàng, nó không chỉ là chỗ ở mà còn mang lại giá trị kinh doanh lớn. Thực tế, có những ki-ốt ở các khu phố hàng Bông, chợ Đồng Xuân thời điểm địa ốc sôi động chỉ khoảng 6m2 cũng đã lên tới 1-1,2 tỷ đồng do đó mức giá hàng trăm triệu đồng cho mỗi m2 ở căn hộ tin hin là chuyện bình thường. Do vậy, dù nhà bé, chật chội, vẫn có một bộ phận những người có nhu cầu thực đến tìm mua. "Trong trường hợp cho thuê lại, hoặc để làm kinh doanh, họ có thể thu lại lợi nhuận lên tới vài chục triệu đồng mỗi tháng. Và chỉ cần một căn hộ bé ở mặt đường như thế, họ đã đủ tiền nuôi sống cả gia đình", ông Hưng nhận xét.
Trường hợp những ngôi nhà bé ở các phố lớn được rao bán không giấy tờ thực chất là những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, hình thành sau quá trình mở đường, giải phóng mặt bằng. Ông Hưng nhớ lại, thậm chí có những trường hợp bi hài đến mức sau khi hoàn thiện đường xong, "nhà bay" và chỉ còn lại bức tường và một chút xíu diện tích 20x40 cm2. Và nhà phía sau chỉ vì bức tường này mà không "ló" ra ngoài mặt đường. "Nhà phía trước chỉ một bức tường thôi cũng hét giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng", ông Hưng kể.
Còn ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land đánh giá, bên cạnh số đông người dân thích ở chung cư nhà rộng lớn thì vẫn còn không ít bộ phận người thích ở trung tâm sầm uất, chấp nhận diện tích eo hẹp. Ngoài ra, do quỹ đất thủ đô có hạn, nhà rộng trung tâm thành phố lên tới hàng chục tỷ đồng nên nhiều người buộc phải mua diện tích nhỏ để ở. Những người thích buôn bán nhỏ lặt vặt thường chuộng những nhà thế này.
Tuy nhiên, theo ông Hà, mặc dù những căn hộ siêu mỏng, mang lại giá trị kinh doanh lớn nhưng cần cẩn trọng giấy tờ pháp lý. Bởi theo quy định, các công trình nằm trên mặt bằng có diện tích chưa đến 15 m2, chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3 m, sẽ không được cấp giấy phép xây dựng.