Doanh nghiệp xây dựng nhà thu nhập thấp (NTNT) ở Hà Nội đề xuất, Thành phố cần có quy chuẩn cho việc xây dựng loại nhà này để đưa ra giá thành, tránh sự thắc mắc của dư luận…

NTNT xây theo quy chuẩn nhà cao tầng


Gần đây, người dân khá bức xúc khi giá NTNT ở Hà Nội “vọt” lên khá cao, gần bằng giá nhà thương mại ở các tỉnh khác. Cụ thể, dự án NTNT ở lô N010A và N012-3 khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên do Cty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) làm chủ đầu tư có giá bán tạm tính: 13.265.990 đồng/m2 (đã có 10% thuế VAT cộng với 2% phí bảo trì).


Dự án NTNT ở lô N011A và N012-2 khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên do Cty CP Xây dựng số 5 Hà Nội (Handico 5) làm chủ đầu tư có giá bán tạm tính là 12.105.815 đồng/m2 (chưa bao gồm 10% thuế VAT).


Trước đó, dự án NTNT ở Kiến Hưng, quận Hà Đông do Liên danh Vinaconex Xuân Mai và Cty CP Xây dựng số 21 Vinaconex làm chủ đầu tư công bố giá tạm tính là 11.579.476 đồng/m2 (đã gồm 10% thuế VAT cộng với 2% phí bảo trì); dự án NTNT tại khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm do Tcty Viglacera làm chủ đầu tư, giá tạm tính là 9.412.055 đồng/m2 (chưa bao gồm 10% VAT, đã có 2% phí bảo trì)….


Tại cuộc họp bàn về vấn đề NTNT được UBND TP tổ chức chiều 7.9, ông Đặng Hoàng Huy, Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai cho rằng, đem giá NTNT ở Hà Nội so với các nơi khác rồi nói là quá cao là không chuẩn. Bởi lẽ, theo ông Huy, các địa bàn có nhiều sự khác biệt và cũng không nên hạ giá thành và chất lượng NTNT xuống mức quá thấp, xây dựng các công trình chỉ 5-7 tầng, không có thang máy.


Đại diện của Handico 5 cho rằng, TP cần có quy chuẩn cho việc xây dựng NTNT để đưa ra giá thành có thể so sánh được, tránh sự thắc mắc của dư luận. Bởi lẽ, hiện nay chủ đầu tư đang phải áp dụng xây dựng theo quy chuẩn nhà cao tầng đối với NTNT.


Đồng tình với các ý kiến trên, ông Lê Ngọc Ước – Phó Giám đốc Cty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera cho rằng, Sở Xây dựng nên đứng ra thẩm định dự án, quy mô căn hộ, không để các chủ đầu tư tự làm với giá cả tự do như hiện nay.


Xác định tổng dự án trên tổng nhu cầu


Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Thị Hà Ninh cho rằng, NTNT tồn tại mâu thuẫn trái ngược nhau, đó là vừa phải phát triển theo đúng quy luật kinh tế thị trường nhưng lại phải đảm bảo an sinh xã hội nên người mua khó tiếp cận. Bà Ninh đề xuất, trong quy định thẩm định đầu tư phải có đăng ký giá, để Sở Tài chính duyệt. Khi triển khai, chủ đầu tư phải đảm bảo nguồn vốn, chứng minh được năng lực và minh bạch về giá.


Góp ý về vấn đề giá, ông Vũ Quang Ninh - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: Giá nhà phụ thuộc vào sự tính toán của chủ đầu tư, quy mô căn hộ có tác động lớn đến giá thành nên chủ đầu tư cần cân nhắc kỹ.


Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, trước hết Sở Xây dựng phải nghiên cứu hai vấn đề để báo cáo TP, đó là: xác định tổng nhu cầu nhà ở cho người TNT trên địa bàn toàn TP, từ đó xây dựng quy hoạch, xác định vị trí cụ thể từng dự án, thiết kế các dự án có tính tổng thể hơn… TP sẽ duyệt dự án trên cơ sở thẩm định giá tại thời điểm xây dựng và các chi phí sẽ được công khai, minh bạch.


Ngoài ra, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi còn yêu cầu Sở Xây dựng phải bổ sung quy định về thời gian nộp tiền, cụ thể hóa vấn đề “hộ gia đình”. “Hộ gia đình là hộ khẩu hay căn hộ, nếu trong một gia đình lớn có nhiều gia đình nhỏ thì việc đăng ký xét như thế nào…”, ông Khôi nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Lê (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.