Một ngôi nhà siêu mỏng trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài
Hơn 400 căn nhà siêu mỏng siêu méo đang tồn tại trên những cung đường mới mở. Câu chuyện về bức tường 0,3m2 trên đường Trần Phú - Kim Mã đã được mua với giá 390 triệu đồng, bức tường 1,7m2 trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài với mức giá 1,1 tỷ đang được rao bán… gây xôn xao dư luận.
Các biện pháp được đưa ra là chính quyền vận động người dân hợp thửa hợp khối hay thành phố thu hồi đất siêu mỏng siêu méo làm bảng tin, cây xanh đều có rất nhiều vướng mắc. Việc tuyên truyền vận động rất khó đạt kết quả nếu người dân không đồng thuận phân chia lợi ích. Còn việc thu hồi đất thì vấn đề kinh phí rất nan giải.
Phát biểu trên báo giới, ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết: Khó khăn lớn nhất trong việc xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” trước năm 2005 là nguồn vốn. Đơn cử như quận Ba Đình có 69 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo”, để thu hồi sẽ cần tới hơn 100 tỷ đồng và quận… không biết lấy kinh phí từ đâu.
Ai cũng nắm rõ rằng kinh phí ngân sách chi ra để làm những con đường mới giữa lòng Hà Nội là vô cùng đắt đỏ. Việc mở đường đem lại giao thông thuận tiện là lợi ích của xã hội nhưng đồng thời cũng đem lại lợi ích cho rất nhiều chủ sở hữu đất một bước từ ngõ sâu ra đường lớn. Chủ sở hữu những căn nhà siêu mỏng, siêu méo đang hưởng lợi rất lớn từ xã hội. Thậm chí ngay cả những căn nhà liền kề phía sau thực chất cũng được hưởng nhiều tiện ích do gần mặt đường lớn, đôi chút bức xúc có chăng là do họ không được hưởng lợi nhiều như nhà đằng trước. Do đó vấn đề hợp khối, hợp thửa phải dựa trên việc phân chia lại lợi ích “lộc lá” của hai hộ dân liền kề trên cơ sở đồng thuận, biết người biết ta.
Việc làm của chính quyền hiện nay không phải là tuyên truyền vận động hay chi phí ngân sách để mua lại những thửa đất mỏng. Quan trọng nhất là phải ra quy định chặt chẽ về kiến trúc quy hoạch và giám sát việc thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch. Điểm lợi lớn nhất của những căn nhà siêu mỏng siêu méo là vỉa hè và đường phố rộng lớn. Nếu không có ưu thế về điểm này, bất cứ căn nhà siêu mỏng, siêu méo nào cũng khó có thể kinh doanh được.
Nên quy định hạn chế chiều cao xây dựng của các căn nhà siêu mỏng siêu méo (có thể là nhà một tầng chiều cao dưới 3,5m), các bức tường siêu phẳng cũng phải xây mới, đẹp với chiều cao hạn chế, cho phép kinh doanh biển quảng cáo, yêu cầu đảm bảo về thẩm mỹ kiến trúc. Và đặc biệt phải siết chặt quy định không cho phép kinh doanh dưới vỉa hè, lòng đường và nghiêm túc kiểm soát việc thực hiện. Chắc chắn người dân sẽ nhanh chóng thực hiện công tác hợp khối hợp thửa để có lợi nhiều hơn. Hoặc ít nhất sẽ có những điểm nhấn đẹp hơn.
Thị trường và người dân chúng ta vốn rất năng động, nhanh nhạy. Chỉ cần có các quy định chính xác và thực thi nghiêm túc thì bộ mặt của những con đường đắt giá tại thủ đô sẽ đẹp lên nhanh chóng.
-
Nhà, đất siêu mỏng siêu méo: Bao giờ hết bức xúc?
Tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo hậu giải phóng mặt bằng tại Hà Nội đang gây bức xúc trong dư luận. Không chỉ gây méo mó bộ mặt đô thị, mà thực trạng này gây không ít những phiền toái, phức tạp cho người dân cũng như cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết.
-
Lâu nay, phương án vận động các hộ dân ở liền kề với hộ có diện tích không đủ điều kiện xây dựng hợp thửa, hợp khối vẫn được coi là phương án tối ưu nhất trong việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo.
-
Hà Nội: Phát sinh hơn 400 nhà siêu mỏng, siêu méo
Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu cho phép Hà Nội được tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng của chính quyền tại các quận nội thành
-
Những mảnh đất “vàng” dễ trở thành... “nhà siêu mỏng”
Tuyến đường vành đai 1 đoạn Xã Đàn-Hoàng Cầu (Hà Nội) dài 547m, rộng 50m, với kinh phí xây dựng và giải phóng mặt bằng lên tới gần 700 tỷ đồng vừa được thông xe và đưa vào sử dụng.