Tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo hậu giải phóng mặt bằng tại Hà Nội đang gây bức xúc trong dư luận. Không chỉ gây méo mó bộ mặt đô thị, mà thực trạng này gây không ít những phiền toái, phức tạp cho người dân cũng như cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết.

Một trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo trên đường Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: H.A

Từ câu chuyện 1,7m² giá 1 tỷ đồng

Thời gian qua câu chuyện khá hài hước này làm nóng dư luận cũng như gây khó khăn cho chính quyền các cấp trong việc xử lý. Bức tường có diện tích 1,7m² nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (phường Quan Hoa, Cầu Giấy, TP.Hà Nội), chiều rộng chỗ lớn nhất chỉ 14 cm nhưng lại được chủ nhà rao bán với giá trên 1 tỷ đồng. Đây là phần còn lại của ngôi nhà có diện tích 60m², sau khi Nhà nước thu hồi hơn 58m² để mở đường. Bức tường này là tường chung giữa phần đất của ông Nguyễn Phương Châm và ông Nguyễn Anh Hiếu, hộ gia đình phía trong, do đây là khu nhà tập thể cũ. Sau khi ngỏ ý và thỏa thuận mua lại diện tích của ngôi nhà ở phía trong không thành, chủ nhà mặt đường đã rao bán bức tường này với giá 1 tỷ đồng.

Chia sẻ lý do hai bên không thỏa thuận được, ông Nguyễn Anh Hiếu, chủ nhà phía trong cho biết: Gia đình tôi không đủ tiền để mua lại diện tích đất của gia đình phía trước và chúng tôi cũng không muốn bán đất của gia đình, vì gia đình tôi là gia đình liệt sĩ, chúng tôi đã sống nhiều năm ở mảnh đất này. Được biết gia đình ông Hiếu đã xin phép xây dựng lại ngôi nhà và đã được UBND quận Cầu Giấy chấp thuận.

Trên thực tế, với trường hợp cụ thể này, chủ của diện tích 1,7m² đất không được phép bán cho ai ngoài chủ hộ phía trong, hoặc hai gia đình thống nhất bán lại toàn bộ đất của hai nhà cho một người thứ 3. Nếu không thỏa thuận được, diện tích này sẽ bị thu hồi để làm công trình công cộng. Trong trường hợp này, tiền đền bù thu hồi đất cho diện tích 1,7m² là khoảng 30 triệu đồng. Đại diện UBND phường Quan Hoa cho biết đã hợp thửa, hợp khối được 12 trường hợp, còn 3 trường hợp vẫn chưa có được tiếng nói chung.

Đây là 1 trong 25 trường hợp nhà, đất siêu mỏng siêu méo phát sinh trên tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài sau khi tuyến đường này hoàn thành. Điều đáng nói, 25 trường hợp này nằm trong 442 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo phát sinh thêm tại các tuyến đường mới mở như Kim Mã - Trần Phú, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, đường Thanh Nhàn, đường Nguyễn Văn Huyên, trong khi vẫn còn tới 174 trường hợp nhà đất siêu mỏng siêu méo cũ chưa xử lý được. Những trường hợp tương tự như bức tường trên đường Nguyễn Văn Huyên không phải là hiếm trên những tuyến phố mới mở như Trần Phú – Kim Mã, Thanh Nhàn... Ngay trên tuyến đường Xã Đàn, con đường được đánh giá đắt nhất hành tinh, vẫn còn nhiều nhà, đất siêu mỏng siêu méo, dù đã đưa vào sử dụng từ 2005. Đơn cử, số nhà 63 Xã Đàn hiện là quán ăn với tổng diện tích khoảng 4m², chiều sâu chưa đến 1m. Chưa kể, dọc tuyến đường hiện có nhiều ngôi nhà, ô đất méo mó làm mất mỹ quan của tuyến đường này. Như vậy, với hơn 600 trường hợp nhà, đất siêu mỏng siêu méo cả cũ và mới đang tồn tại, bài toán xử lý loại nhà đất này càng thêm khó cho TP. Hà Nội.

Quy hoạch mở đường cần đồng bộ

Nguyên nhân của việc không xử lý được dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo được chỉ ra là do nhiều đơn vị lúng túng trong quản lý, sử dụng diện tích đất sau thu hồi vào mục đích công cộng, chậm thực hiện giải pháp ưu tiên hợp thửa, hợp khối. Mặt khác, trên địa bàn một số quận vẫn để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai quy hoạch, sai phép, lấn chiếm không gian, mật độ xây dựng, chưa được các cấp chính quyền xử lý kịp thời, dứt điểm.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng thừa nhận, quá khó để giải quyết triệt để nhà siêu mỏng, siêu méo và nếu còn giải phóng mặt bằng như hiện nay thì sẽ còn nhà siêu mỏng, siêu méo. Cũng theo ông Quang, khi vận động người dân hợp thửa, hợp khối, lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn bởi hộ phía ngoài mặt đường muốn bán lại giá cao, còn hộ phía trong chỉ muốn mua lại phần đất bị cắt xén với giá thấp.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thiếu đồng bộ trong quy hoạch mở đường của Hà Nội là lý do dẫn tới tình trạng này. TP.Hà Nội không có một vị tổng chỉ huy mà chỉ có từng binh chủng, việc ai nấy làm. Làm đường chỉ biết làm đường, làm nhà chỉ biết làm nhà và với tư duy này thì sẽ không có một thành phố hiện đại.

“Nếu các cơ quan Nhà nước không cải tạo, quy hoạch đô thị 2 bên đường đồng bộ thì lợi ích của việc tăng giá trị đất đai lại rơi vào túi tư nhân. Cuối cùng, Nhà nước lại phải lo đi xử lý, giải quyết nhà, đất siêu mỏng, siêu méo phát sinh, còn đường cả trăm, nghìn tỷ thì nham nhở, lộn xộn, mất thẩm mỹ”, TS Phạm Sỹ Liêm nhận định.

Theo các chuyên gia, để không còn tái diễn việc này, thì trước khi mở một tuyến đường, phải có quy hoạch rõ ràng, đồng bộ cho cả 2 bên tuyến phố, đưa ra được giải pháp kiến trúc cụ thể và có chế tài đối với những người dân cố tình vi phạm, cũng như lực lượng chức năng không làm tốt việc quản lý.

Mới đây TP.Hà Nội ra Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND quy định về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn Hà Nội. Theo đó đối với những thửa đất không thực hiện hợp thửa, hợp khối được thì Nhà nước sẽ thu hồi theo quy định. Trường hợp người dân ở phía trong có nhu cầu mua lại phần đất đó thì Nhà nước sẽ bán theo giá mà Nhà nước phê duyệt (cho từng trường hợp cụ thể).

“Với Quyết định 16, tình trạng người ở ngoài đặt giá cao và người ở trong thì không thể mua được giá đó sẽ được triệt tiêu. Chắc chắn đây là điều kiện rất thuận lợi cho chính quyền địa phương trong công tác xử lý các trường hợp siêu mỏng, siêu méo. Bởi vì ngoài việc thỏa thuận hợp thửa, hợp khối thì đây cũng là một công cụ để chắp nối cho hai bên đến được với nhau trong công tác hợp thửa hợp khối”, bà Bùi Ngọc Diệp, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy cho biết. Cũng theo bà Bùi Ngọc Diệp, để chủ động tránh tình trạng nhà đất siêu mỏng siêu méo sau giải phóng mặt bằng, trước khi phê duyệt dự án tuyến đường, cần phải lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, từ đó sẽ có phương án để chủ động xử lý các trường hợp siêu mỏng, siêu méo ngay trong quá trình lập dự án.

Ông Lý Chí Hồng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Thanh tra Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội:

“Sở Xây dựng cũng có kiến nghị Thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, các tuyến đường trong quá trình giải phóng mặt bằng phải thực hiện phá dỡ toàn bộ bộ phận kiến trúc cũng như công trình nằm ngoài chỉ giới mở đường mà không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng như trường hợp ở đường Nguyễn Văn Huyên để xử lý, thu hồi theo quy định. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị quận Cầu Giấy đẩy nhanh tiến độ xử lý, sẽ thu hồi đối với các trường hợp nhỏ hơn 4 m²”.

Hoài Anh (Báo Hải Quân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.