Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân trên tuyến đường mới mở đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (quận Đống Đa), điểm nóng về tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo của thành phố, nêu thắc mắc không hiểu vì sao các trường hợp nhà siêu nhỏ dưới 10 m2 vẫn hiện diện trên mặt phố mà không bị xử lý. Trong khi đó, lãnh đạo phường đã dẫn ra Quyết định 264 ngày 20/1/2014 của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội tạm thời cho phép tồn tại những công trình như vậy.
Một quyết định bất hợp lý
Một người dân trong ngõ 129 Đê La Thành (gọi theo địa chỉ cũ do đường mới mở chưa được đánh số nhà) chia sẻ với phóng viên: “Không hiểu sao 2 ngôi nhà cuối ngõ (tức là phía đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu - PV) lại được xây dựng khá kiên cố bởi theo đúng quy định thì với diện tích nhà dưới 15 m2 thì không được phép xây dựng”.
Theo quan sát của phóng viên, 2 căn nhà chỉ như 2 kiốt chật hẹp, rộng khoảng chục m2 với chiều dài 4 m, sâu chưa được 2 m (tính cả phần mái đua ra mới được hơn 2 m). Người dân trong ngõ 129 cho biết 2 căn nhà này đều mới được xây dựng.
Những ngôi nhà có diện tích từ 4 - 15 m2 trên đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, chờ quy hoạch chi tiết hai bên đường đang khiến bộ mặt đô thị trở nên xấu xí.
Cạnh đó, bên kia ngõ 129 là một mảnh đất dài khoảng 3-4 m, sâu chưa đến 1 m đã bị thu hồi và xây tường ngăn để không cho nhà phía trong lấn ra. Trên đoạn đường dài hơn 500 m này cũng có nhiều trường hợp bị phường xây tường hoặc dùng tôn để chắn như vậy.
Đem thắc mắc của người dân về chuyện có mảnh đất thì được xây dựng nhưng có mảnh đất lại bị thu hồi đến gặp lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa, chúng tôi được phòng Địa chính lí giải rằng, hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc đã ban hành Văn bản số 264/QĐ-QHKT quy định tạm thời quản lý kiến trúc, xây dựng công trình 2 bên tuyến đường vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu theo hướng “cởi mở” hơn cho các trường hợp đất nhỏ hẹp.
“Theo Quyết định 264, mảnh đất dưới 4 m2 thì bị thu hồi ngay. Từ 4 - 15 m2 thì cho tồn tại nhà 1 tầng, chiều cao không quá 4,5 m. Diện tích trên 15 m2 mà mỗi cạnh nhỏ hơn 3 m thì cũng cho tồn tại 1 tầng để làm kiốt. Tuy nhiên, hiện tại phường vẫn yêu cầu tất cả các hộ phải giữ nguyên hiện trạng chứ chưa cho xây dựng, đợi quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường của cơ quan chức năng chuyển xuống”, anh Nguyễn Ngọc Hưng, cán bộ địa chính phường Ô Chợ Dừa cho biết.
Về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ông Tuấn cho biết: Quy định trên được áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp, trong khi chờ đợi triển khai quy hoạch chi tiết hai bên đường vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Láng Hạ. Tuy nhiên bao giờ quy hoạch này được phê duyệt thì lại là một câu hỏi chưa có lời đáp.
“Quy định này chỉ là tạm thời. Còn trong tương lai, khu vực này sẽ tiếp tục được giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch chi tiết tuyến phố hai bên đường”, ông Tuấn cho hay.
Thoạt tiên có thể nghĩ Quyết định 264 sẽ tạm thời tháo gỡ được những vướng mắc trong việc xử lý nhà siêu mỏng. Song thực tế, dư luận, trong đó có không ít người dân trong khu vực lại đặt câu hỏi, phải chăng Quyết định 264 đang “thỏa hiệp” với các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, bởi việc chờ đợi quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường để từ đó có phương hướng xử lý cụ thể với các trường hợp nhà siêu nhỏ hiện không có một thời hạn cụ thể. Nó càng khiến việc xử lý nhà siêu nhỏ không được dứt điểm.
Trong khi đó, đi dọc theo tuyến đường chỉ dài hơn 500 m này, không khó để thấy những ngôi nhà bị phá dỡ từ khi mở đường hiện đang được “giữ nguyên trạng” trông rất mất mỹ quan. Một số ngôi nhà khác dù được phép chỉnh trang, xây mới tuy chỉ một tầng theo Quyết định 264 (trong quá trình chờ quy hoạch) song vẫn không làm cho tuyến phố trở nên đẹp hơn.
Vẫn thiếu quy hoạch tổng thể
“Khó khăn vướng mắc nhất hiện nay vẫn là vấn đề quy hoạch, nếu có quy hoạch rõ ràng thì sẽ rất dễ làm. Chúng tôi vẫn chờ quyết định của các cấp thẩm quyền là có thu hồi hay không, thu hồi để làm gì. Còn hiện tại, chúng tôi cố gắng giữ nguyên hiện trạng, không để cho người dân làm gì cả”, anh Nguyễn Ngọc Hưng phân trần.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hà Nội đang thiếu sự chuẩn bị kĩ càng mỗi khi mở đường. Quyết định 264 chưa thể được coi là một giải pháp tốt lúc này do nó chưa giải quyết được tận gốc vấn đề nhà siêu mỏng. Ông Đức đang trông chờ vào một giải pháp căn cơ đến từ việc quy hoạch chi tiết trước khi mở đường. Ông Đức cho rằng, có như vậy mới ngăn không để hình thành nhà siêu mỏng để rồi phải “chạy theo” giải quyết như hiện nay.
“Đường đã làm xong mà quy hoạch hai bên đường lại chưa có, để rồi mỗi người làm một nẻo, anh làm đường chỉ lo mở đường, anh thiết kế chỉ lo thiết kế, cuối cùng cũng vẫn không gặp được nhau như trường hợp ở đường vành đai I mới làm”, ông Đức cho biết.
Đối với các trường hợp nhà siêu méo đã hình thành, theo các chuyên gia, vận động người dân hợp khối, hợp thửa với nhau là giải pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này cũng không hề dễ dàng. Ông Trần Mạnh Hùng, cán bộ địa chính phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, cho biết: “Có những nhà không đồng ý hợp khối diện tích nhỏ hẹp nhà mình vào nhà phía sau, hoặc đưa ra giá quá cao nên người phía trong không mua”, ông Hùng cho biết.
Những vướng mắc trên đã dẫn đến thực tế, mặc dù lãnh đạo thành phố đã không dưới một lần chỉ đạo quyết liệt, gắt gao, đưa ra “giờ G” để các quận xử lý hết nhà siêu mỏng song đến nay, xem ra “hạn cuối” lại tiếp tục phải nới chưa biết đến bao giờ.