15/03/2025 10:01 PM
Trong khi Hòa Phát thoát hiểm, Formosa và các doanh nghiệp xuất khẩu thép cuộn cán nóng khác của Việt Nam phải chịu mức thuế tạm thời 12,1% khi nhập khẩu vào EU.

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành Thông báo đề xuất áp thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) của Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Theo thông báo này, Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) và các doanh nghiệp xuất khẩu thép HRC khác của Việt Nam chịu mức thuế tạm thời là 12,1%. Thép cán nóng của Nhật Bản nhập khẩu vào EU chịu mức thuế tạm thời từ 6,9 - 33%, Ai Cập là 15,6%.

Cụ thể, các sản phẩm chịu thuế tạm thời là một số sản phẩm cán phẳng bằng sắt, thép không hợp kim hoặc thép hợp kim khác, có dạng cuộn hoặc không, không được gia công thêm ngoài cán nóng, không phủ, mạ, có xuất xứ từ Ai Cập, Nhật Bản và Việt Nam.

Một nhà sản xuất thép của Việt Nam không bị EU áp thuế chống bán phá giá tạm thời với thép cán nóng

Các sản phẩm bị loại trừ trong cuộc điều tra này bao gồm thép không gỉ hoặc thép điện silicon định hướng hạt; thép công cụ và thép công cụ có độ cứng lớn chuyên dụng; thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày lớn hơn 10 mm và khổ rộng từ 600 mm trở lên; và thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày từ 4,75 mm trở lên nhưng không quá 10 mm và có khổ rộng từ 2.050 mm trở lên.

Giai đoạn điều tra bán phá giá từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024. Giai đoạn điều tra thiệt hại từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/3/2024.

Cũng theo thông báo này, thép cuộn cán nóng HRC của Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời.

Được biết, lý do giúp thép cuộn cán nóng của Hòa Phát không bị áp thuế là vì sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, các khâu sản xuất đều được tối ưu hóa nên có giá thành cạnh tranh.

Việc Hòa Phát không bị áp thuế không chỉ mang lại lợi thế cho nhà sản xuất này mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp hạ nguồn sử dụng HRC của Hòa Phát. Điều này giúp các doanh nghiệp tôn mạ trong nước không lo ngại về nguồn gốc xuất xứ và nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU.

Trước đó, ngày 8/8/2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành Thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù sản xuất thép của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy nhiên, thép Việt Nam cũng là mặt hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ rất nhiều quốc gia.

Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép…

Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Úc, Malaysia, Indonesia…

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.