Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Giám đốc Adidas Kasper Rorsted khẳng định nhà sản xuất đồ thể thao Đức sẽ tiếp tục nâng cao tỉ lệ nguyên vật liệu sản xuất tại Việt Nam cũng như nâng cao hơn nữa sản lượng sản xuất tại Việt Nam, chiếm tỉ trọng cao hơn trong tổng sản lượng toàn cầu của Tập đoàn.

Thủ tướng đề nghị Adidas tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Chiều ngày 31/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Kasper Rorsted, Tổng Giám đốc Tập đoàn Adidas đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Việt Nam hiện là nguồn cung ứng quan trọng nhất cho Adidas và trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp, các cuộc điện đàm với ông Kasper Rorsted vào tháng 9/2021 và tháng 3/2022.

Tổng Giám đốc Adidas Kasper Rorsted chúc mừng và bày tỏ ngưỡng mộ những thành tựu của Việt Nam về kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao và kiểm soát được lạm phát; bày tỏ kỳ vọng mạnh mẽ vào tương lai phát triển tích cực và cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đánh giá cao những cam kết của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Tổng Giám đốc Adidas bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Adidas trong lúc khó khăn, sự hỗ trợ này cho thấy Việt Nam là một đối tác, một người bạn đáng tin cậy; đồng thời thông báo về các hoạt động hợp tác đào tạo nhân lực tại Việt Nam như đào tạo nhân lực người địa phương, cung cấp học bổng đại học; nêu một số đề xuất, kiến nghị.

Tổng Giám đốc Adidas thông báo những kết quả kinh doanh hết sức tích cực tại Việt Nam, cho biết Adidas sẽ tiếp tục nâng cao tỉ lệ nguyên vật liệu sản xuất tại Việt Nam cũng như nâng cao hơn nữa sản lượng sản xuất tại Việt Nam, chiếm tỉ trọng cao hơn trong tổng sản lượng toàn cầu của Tập đoàn; tin tưởng Adidas sẽ tiếp tục có những bước phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, cùng với Việt Nam tạo nên những thành tựu ấn tượng về kinh tế và sản xuất kinh doanh.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Đức, cũng như Tập đoàn Adidas trong công cuộc phòng, chống COVID-19, góp phần giúp Việt Nam vượt qua các giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19.

Quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và CHLB Đức vẫn đạt được thành tựu đáng lể trong bối cảnh đại dịch. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước đạt 11,22 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2020. Còn 9 tháng năm 2022 đạt trên 9,44 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Về đầu tư, Đức đứng thứ 18/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, đứng thứ ba trong các quốc gia EU về quy mô đầu tư, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 2,33 tỷ USD.

Thủ tướng hoan nghênh Adidas tiếp tục lựa chọn Việt Nam là quốc gia chiến lược và quan trọng hàng đầu trong chuỗi cung ứng sản xuất của Tập đoàn. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nói chung và Adidas nói riêng duy trì, mở rộng và phát triển tại Việt Nam, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng đề nghị Adidas tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam - một cứ điểm quan trọng, lâu dài, bền vững theo chiến lược của Tập đoàn, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam được tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Adidas.

Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) trong thời gian sớm nhất, tạo động lực quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của Adidas với Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các kiến nghị của Adidas và giao các cơ quan nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đồng thời tiếp tục lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn và các nhà đầu tư, giải quyết nhanh nhất các vấn đề theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Rại Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0 diễn ra hồi cuối năm 2021, một đại diện của Ngân hàng Thế giới từng cho biết, hồi tháng 4/2020, Adidas đã đóng cửa nhà máy sản xuất giày bằng robot tự động tại Đức và chuyển về Việt Nam, bởi Việt Nam gần chuỗi cung ứng.

Một cửa hàng Adidas.

Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, việc Adidas dùng công nghệ robot để sản xuất giày nhưng phải đóng cửa ngay sau đó cho thấy không phải ngành, lĩnh vực nào cũng áp dụng thành công tự động hóa. Quan trọng là Việt Nam cần đảm bảo năng lực kinh tế, dịch vụ tốt hơn để gia tăng tính cạnh tranh trong những ngành có thế mạnh, lợi thế của mình. Cách mạng Công nghiệp 4.0 không phải nguy cơ mà tiền đề nâng cao năng lực cạnh tranh...

Adidas được thành lập vào năm 1924 tại Đức bởi hai anh em nhà Dassler là Adi Dassler và Rudolf với tên tiền thân là Gebruder Dassler Schuhfabrik. Đến thời điểm hiện tại, Adidas đã trở thành một trong những nhãn hàng thời trang thể thao lớn nhất thế giới.

Adidas bắt đầu sản xuất giày chủ yếu bằng robot tại nhà máy “Speedfactory” gần trụ sở chính ở Bavarian (Đức) năm 2016, rồi sau đó mở tiếp cơ sở mới gần Atlanta năm 2017.

Việc Adidas tuyên bố ngừng dây chuyền sản xuất bằng robot tại nhà máy Đức và Mỹ để tập trung nhiều hơn cho các nhà máy tại châu Á, theo các chuyên gia nguyên nhân có thể là do chi phí vận hành và khó khăn trong mở rộng công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm.

Adias vào Việt Nam từ năm 1993 và chính thức thành lập Công ty Adidas Việt Nam từ năm 2009, đặt trụ sở tại tòa nhà Kim Cương, số 34 Lê Duẩn, Quận 1, TPHCM. Theo số liệu năm 2012, doanh thu của Adidas Việt Nam vào khoảng 22.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.