Năm tòa tháp cao 56 tầng của khu căn hộ M Vertica ở Cheras, Kuala Lumpur được người dân nơi đây gọi với tiếng lóng “Hồng Kông”, liên tưởng đến hình ảnh tương tự của những tòa nhà cao tầng có mật độ dày đặc phổ biến tại đặc khu kinh tế này.
Tuy nhiên, dưới bóng của khu căn hộ trên, có một khu nhà khác tương đồng với một đặc điểm khét tiếng khác của xứ Cảng Thơm: nhà quan tài.
Cơn đau đầu của chính quyền
Nằm gần Maluri, một khu dân cư đông đúc gần nhiều ga tàu lớn, một khu thương mại 2 tầng được cải tạo để nhồi nhét 78 căn hộ siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng một chiếc quan tài. Chúng được quảng cáo là các căn hộ dạng “con nhộng” hay “phòng mini”, phù hợp với “khách ba lô, thực tập sinh, hoặc người thuê ngắn hạn và dài hạn” đang tìm kiếm “phòng bình dân” có máy lạnh.
Các phòng có giường đơn hoặc giường cỡ lớn, với diện tích tối đa chỉ khoảng 2,8m2. Chúng được cho thuê với giá lần lượt là 290 ringgit (62 USD) và 330 ringgit mỗi tháng, được cho là “quá hời” tại một thành phố mà giá thuê phòng hàng tháng hiếm khi xuống dưới 1.000 ringgit.
Phát biểu trước quốc hội ngày 30/11, Bộ trưởng Bộ Phát triển Chính quyền Địa phương Nga Kor Ming cho biết ông đã đích thân thanh tra khu nhà trên vào tháng 10 và các công trình vi phạm đã bị tháo dỡ.
“Thật là vô nhân đạo và vô lý khi một số bên – nhằm trục lợi – đã biến một căn nhà thương mại 2 tầng thành hẳn một khu căn hộ với 78 phòng”, bà Nga nói. “Không gian chật hẹp này giống với một ngôi mộ nơi đặt quan tài, khiến người thuê buộc phải bò mỗi khi ra vào phòng”.
Bà cũng cho rằng nơi đây có nguy cơ hỏa hoạn cao, gây nguy hiểm trực tiếp cho khoảng 40 đến 50 khách thuê hiện tại.
Phát biểu gay gắt của bà Nga được đưa ra sau khi tòa thị chính Kuala Lumpur ban hành thông tư vào tháng 8/2023, cấm các khu dân cư và thương mại dựng vách ngăn để chia tách thành các phòng ở mới trong các không gian được chỉ định làm khu vực sinh hoạt và ăn uống.
Bộ trưởng Nga nói thêm rằng Malaysia đã có đủ luật để xử lý những công trình cải tạo bất hợp pháp như trên, nhưng thừa nhận rằng việc thực thi các luật này là một vấn đề lớn.
“Nhà quan tài” ngày càng “phình to”
Vấn đề “nhà quan tài” đã vượt ra ngoài phạm vi Kuala Lumpur. Ở những nơi khác trong vùng đô thị Greater Kuala Lumpur bao quanh thủ đô, những bức ảnh chụp ban công và nhà bếp được biến thành phòng ở đã lan truyền rộng rãi trên mạng, trở thành tâm điểm chế giễu khi nhiều người cho rằng các chủ nhà đang quá tham lam.
Ví dụ, một căn phòng được cải tạo từ ban công được cho thuê với giá 600 ringgit (128 USD) mỗi tháng, phục vụ chủ yếu cho sinh viên đại học ở gần đó.
Do áp lực từ lãi suất cao hơn do đại dịch, các chủ nhà đã chuyển gánh nặng thế chấp sang khách thuê, dẫn đến nghịch lý giá thuê cao hơn ngay cả khi nguồn cung nhà tăng. Nhà kinh tế học Fikri Fisal nhận định điều này đang đi ngược lại khái niệm cơ bản về cung và cầu.
Việc tăng giá thuê trong những năm qua đã khiến người thuê nhà – vốn chịu ảnh hưởng nặng nề khi tiền lương không tăng – đã phải giảm bớt các lựa chọn của mình, và một số người buộc phải chuyển đến những “căn nhà quan tài”.
Ông Fikri cho biết: “Thêm vào đó, việc thiếu Đạo luật thuê nhà đồng nghĩa với khung pháp lý yếu kém và không thể bảo vệ tốt cho người thuê nhà”.
Những đạo luật như vậy có thể bảo vệ khách thuê thông qua quy định về tiêu chuẩn đối với nhà cho thuê, xác định quyền của khách thuê và chủ nhà, đồng thời tiêu chuẩn hóa thủ tục trục xuất khách thuê.
Ông Fikri nói thêm: “Ngay cả việc tăng tiền thuê nhà cũng có thể được quản lý hoặc hạn chế nếu có khung pháp lý chặt chẽ xung quanh hoạt động cho thuê nhà. Ở Pháp, bất kỳ khoản tăng tiền thuê nhà nào cũng phải dựa trên chỉ số giá tiêu dung, được gọi là chỉ số tham chiếu tiền thuê”.
Cái lý của chủ nhà?
Thay vì tình trạng thiếu nhà ở như tại Anh, năm 2022, Cục Thống kê Malaysia cho biết có tới 1,9 triệu ngôi nhà trong tổng số 9,6 triệu ngôi nhà được mua trên toàn quốc không có người ở, tăng 700.000 ngôi nhà so với năm 2010.
Nhà thống kê Mohd Uzir Mahidin cho biết trong hội thảo về điều tra dân số vào năm 2020: “Chủ nhà coi những ngôi nhà này là nơi ở cuối tuần hoặc sử dụng chúng vào các mục đích khác khi họ đang làm việc ở xa”.
Zabidi Mohd Nuh, một chủ nhà ở thành phố Shah Alam, nơi có rất nhiều trường đại học, cho biết ông đã chia nhỏ căn nhà của mình để ngăn khách thuê đưa nhiều người đến sống hơn so với thỏa thuận trong hợp đồng.
Ông Zabidi nói: “Tôi phát hiện ra rằng gần 20 người đang sống trong ngôi nhà hai tầng có sân thượng tồi tàn của mình và làm hư hại hết tài sản”.
Ông cho rằng việc mình chia nhỏ căn nhà thành nhiều phòng thậm chí có thể giúp nhiều người sống thoải mái hơn, đồng thời bảo vệ tài sản của chính mình.
Tuy nhiên, ông đồng ý rằng một số chủ nhà đã quá đáng khi chia ban công và nhà bếp thành các phòng ở để cho thuê.
“Họ làm vậy vì quá tham lam, còn tôi chỉ muốn bảo vệ khoản đầu tư của mình”, ông lập luận.
-
Nhà ở đô thị thu hẹp diện tích nhưng tăng giá bán
Khi nhà ở đô thị trở nên đắt đỏ và khan hiếm hơn bao giờ hết, diện tích nhà ở bình quân đầu người ngày càng thu hẹp và không gian nhỏ gọn, linh hoạt trở thành một giải pháp buộc phải ưu tiên.
-
Nửa cuối năm 2024 là cơ hội để thu mua bất động sản
Theo khảo sát của CBRE, đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có thể phục hồi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
-
Nhà đầu tư châu Á tăng cường vốn vào bất động sản trong trung hạn
Bất động sản, một danh mục phụ lớn thuộc tài sản tư nhân, đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư châu Á, với 64% kỳ vọng sẽ tăng lượng nắm giữ trong trung hạn.
-
Sóng đầu tư Trung Quốc thoái trào, để lại 500 “tòa nhà ma” ở Campuchia
Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc rút đi đã khiến Sihanoukville, điểm nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng của Campuchia, phải đối mặt với hàng trăm dự án còn dang dở.