Các đơn vị quản lý, tư vấn đều chung nhận định, hầu hết giao dịch thời gian qua chỉ tập trung ở phân khúc nhà ở trung - cao cấp.
Thị trường vắng hẳn bóng dáng căn hộ bình dân. Đáng chú ý, cận Tết Nguyên Đán, ghi nhận không có bất cứ dự án nhà ở xã hội (NƠXH) nào mở bán.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về thực tế này, theo ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho đây là kết quả tất yếu đã được dự báo.
Sau khi gói 30.000 tỷ đồng hoàn thành “sứ mệnh”, có vẻ như dư địa phân khúc NƠXH có dấu hiệu “co lại”, thưa ông?

- Các dự án nhà ở thương mại trung, cao cấp hay dự án nhà ở giá rẻ, NƠXH khi triển khai đều cần điều kiện đất đai, cơ chế chính sách, quá trình đầu tư xây dựng về mặt pháp lý gần như giống nhau, chỉ có quy mô to hay nhỏ. Vì quy trình đầu tư như nhau nhưng lợi nhuận nhà giá rẻ không bằng chung cư tầm trung và cao cấp nên khó hút được DN BĐS. Nguồn cung NƠXH vì thế hiện còn thấp dù nhu cầu lớn. Nội tại trong từng phân khúc thậm chí có sự dịch chuyển mạnh mẽ khi dòng tiền đầu tư chảy mạnh về sản phẩm trung, cao cấp, hạng sang.

Trong năm 2017, do thiếu vốn, ít dự án NƠXH được khởi công. Vì lẽ đó, khan hàng bán cuối năm là tất yếu. Tuy nhiên, theo thông tin mà tôi nắm được, hiện Chính phủ đang cơ cấu dành cho ngân hàng 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách NƠXH này. Ngân hàng cũng huy động 500 tỷ đồng nữa. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng có kế hoạch ủy thác cho vay chương trình này. Năm 2018 tới, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ chính thức cho vay mua/thuê mua NƠXH. Nếu hiện thực hóa được, phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ có lối thoát trong năm 2018.

Như vậy có nghĩa, năm 2018, nhà ở giá rẻ sẽ lên ngôi, thưa ông?

- Như tôi đã phân tích, nếu bố trí được gói hỗ trợ mới cho NƠXH, dòng sản phẩm này sẽ phát triển tương đối cân bằng so với các phân khúc còn lại. Thực tế, tổng cầu lớn khiến nhiều DN lên kế hoạch bung hàng dự án nhà ở giá rẻ trong năm 2018. Việc chú trọng vào các tiện ích của nhà ở giá rẻ khiến cho thị trường này bước vào bước phát triển mới so với trước đây.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cũng dự kiến sẽ có thêm hơn 430.000m2 NƠXH được xây dựng trong năm 2018. Sự cạnh tranh của các chủ đầu tư xây dựng phân khúc NƠXH và nhà ở thương mại sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt về thiết kế, môi trường cảnh quan, về cơ cấu căn hộ, trang thiết bị, chất lượng, dịch vụ, đặc biệt về cơ cấu giá. Năm 2018 sẽ là một bức tranh đa dạng, thú vị, hứa hẹn cho người dân nhiều sản phẩm để lựa chọn.

Vậy theo ông, liệu có sự dịch chuyển đầu tư trong năm 2018 không?

- Các nhà đầu tư BĐS sẽ thay đổi danh mục đầu tư, thay đổi chiến lược đầu tư, không chọn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là địa bàn đầu tư chính bởi vì lượng hàng gần như bão hòa ở phân khúc giá cao và cao cấp. Các chủ đầu tư thường chọn các địa phương như Lào Cai, Phú Quốc, Vân Đồn… để đầu tư những dự án mới do chính sách thu hút đầu tư cởi mở hơn và hạ tầng giao thông rất thuận lợi. Một số nhà đầu tư BĐS lựa chọn chiến lược đầu tư đón lõng sự phát triển của hạ tầng giao thông như tuyến tàu hỏa cao tốc ở Côn Minh (Quảng Tây – Trung Quốc) nối với Lào Cai – Hà Nội, tàu hỏa liên thông Đông Nam Á hay các khu vực vùng biên nơi tập trung hoạt động thương mại quốc tế, các khu du lịch, đặc khu kinh tế cũng hấp dẫn nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông!
Đức Dinh (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.