29/04/2011 8:03 AM
Theo số liệu tổng điều tra nhà ở, tại khu vực đô thị, các hộ có diện tích nhà ở bình quân nhỏ hơn mức bình quân của thành phố (20,63m2/người) chiếm tới gần 47%. Điều này cho thấy nhu cầu về nhà ở của thành phố rất lớn, nhất là khi các chính sách về nhà ở cho người hưởng lương ngân sách chưa được quan tâm thỏa đáng.
50 năm mới mua được nhà

Cần có chính sách hỗ trợ người lao động để có thể mua được nhà ở. Ảnh: Phan Ánh


Trong chính sách tiền lương hiện hành, tỷ lệ tiền nhà trong lương cán bộ, công chức đang làm việc tại hệ thống hành chính được giữ ổn định 7,5% từ năm 1993 đến nay. Như vậy, một bộ trưởng trung bình có 547.000 đồng tiền nhà/tháng, 6,57 triệu đồng/năm. Nếu mua một căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp diện tích 70m2, có giá khoảng 600-700 triệu đồng, thì hai người đi làm trong 50 năm mới đủ tích lũy để mua nhà. Tuy nhiên, đó đơn thuần chỉ là phép tính so sánh, bởi thực tế thu nhập của công chức thấp hơn nhiều, may ra chỉ đủ chi phí ăn mặc, sinh hoạt, khó có thể tích lũy cho nhà ở.

Số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có hơn 355.000 cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách, trong đó cơ quan trung ương là 202.000 người. Trong giai đoạn trước tháng 11-1992, Nhà nước có chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức; phần lớn các khu tập thể được xây dựng trong giai đoạn này, giải quyết khoảng 30% nhu cầu nhà ở cho người lao động hưởng lương ngân sách. Từ tháng 11-1992, Nhà nước bãi bỏ chế độ phân phối, đưa nhà ở vào tiền lương và thực hiện bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê; đồng thời giao đất cho các đơn vị, tổ chức xây dựng nhà ở bằng vốn góp của cán bộ, công nhân, viên chức. Đến tháng 4-2001, TP quy định phát triển nhà ở theo dự án, chấm dứt việc giao đất tự xây dựng nhà ở. Theo đó, dự án khu đô thị mới phải dành 50% diện tích sàn chung cư để bán cho cán bộ, công nhân, viên chức theo chỉ định của UBND TP. Kết quả, đã có hơn 3.900 trường hợp mua nhà tại quỹ nhà này. Từ năm 2006 đến nay, TP tạo điều kiện giới thiệu địa điểm cho các cơ quan, đơn vị xây dựng nhà ở bán cho cán bộ, công chức. Hiện có 206 khu đất, với tổng diện tích 596ha đang được xem xét giải quyết. Không thể phủ nhận các chính sách trên đã góp phần cải thiện chỗ ở cho cán bộ, công chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách, nhưng vẫn chỉ là giải pháp tình thế, không đáp ứng được nhu cầu của đa số cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn TP. Dưới góc độ quản lý, TP khó kiểm soát được nhu cầu thực tế của các cơ quan và đối tượng thụ hưởng dẫn đến thiếu công bằng. Trong khi đó, việc xây dựng manh mún, thiếu đồng bộ làm cho việc kiểm soát không gian đô thị khó khăn, hạ tầng kỹ thuật và xã hội quá tải, không đạt được mục tiêu giãn dân đô thị. Vì vậy, UBND TP đã chỉ đạo tạm dừng giải quyết hồ sơ xin giao dự án, giao đất xây dựng nhà ở cho đối tượng hưởng lương từ nguồn ngân sách để chờ chính sách chung của TP.


Để hiện thực hóa giấc mơ an cư


Để giải quyết bất cập trên, UBND TP Hà Nội đã nghiên cứu đề án giải quyết khó khăn về nhà ở cho đối tượng hưởng lương ngân sách trên địa bàn giai đoạn năm 2011-2015 và 2020. Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà-Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đề án đề xuất giải pháp lập quy hoạch tổng thể phát triển các dự án nhà ở cho cán bộ, công chức hưởng lương và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất TP chuẩn bị quỹ đất sạch. Ngoài ra, sử dụng một phần quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, sử dụng quỹ đất xen kẹt, đất thu hồi do vi phạm luật đất đai để phát triển quỹ nhà ở này. Bên cạnh đó, các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha phải dành lại 20-30% tổng diện tích sàn nhà ở để bán cho đối tượng hưởng lương ngân sách với giá bán bằng giá thành xây dựng cộng 10% lợi nhuận. Tương tự như dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà đầu tư dự án nhà ở cho người hưởng lương ngân sách cũng được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, được cung cấp thiết kế mẫu, tiến bộ khoa học kỹ thuật thi công, giải pháp công nghệ và vật liệu mới nhằm giảm giá thành xây dựng; được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được sở hữu diện tích dịch vụ-thương mại để kinh doanh bù đắp giá bán nhà. Chi phí tiền sử dụng đất phân bổ vào phần diện tích dịch vụ-thương mại, không phân bổ vào giá bán.


Cũng theo ông Đạm, diện tích căn hộ nên đa dạng từ 80 đến 120m2 để người mua có điều kiện lựa chọn. "Có ý kiến cho rằng, diện tích tối đa nên là 90m2, nhưng khi nghiên cứu bộ phận soạn thảo thấy rằng nên mở rộng thêm căn hộ diện tích 120m2 để bảo đảm điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho những hộ có đông nhân khẩu, nhiều thế hệ cùng chung sống. Số căn hộ diện tích 90-120m2 chiếm khoảng 20-30% tổng số căn hộ"- ông Đạm nói. Bên cạnh hình thức mua, đề án cũng đề xuất hình thức cho thuê hoặc thuê mua. Trường hợp thuê mua, mua trả góp, người mua nộp tiền lần đầu là 20% giá nhà. Thời hạn trả góp tối thiểu là 10 năm.


Sau khi nghe Ban cán sự Đảng UBND TP báo cáo, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhất trí cơ bản với nội dung đề án. Dự kiến, giai đoạn 2011-2015 tập trung giải quyết nhà ở cho đối tượng có nhà ở diện tích bình quân 5-10m2/người. Giai đoạn 2015-2020 tiếp tục giải quyết cho đối tượng có diện tích nhà ở bình quân 10-20m2/người.
Cafeand.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.