Hiện UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản đề nghị sở Xây dựng cho phép doanh nghiệp này được chuyển đổi mục đích, từ đất trồng cây hàng năm sang đất sản xuất, kinh doanh.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo VietnamnNet, Nhà máy phân bón Sông Lam thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phân bón Sông Lam, địa chỉ phường 7, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà máy Phân bón Sông Lam xây “lụi”, chính quyền “đổ lỗi” cho nhau.
Chuyện nhà máy phân bón có diện tích hơn 17.200m2 tồn tại và đi vào hoạt động “lụi” hơn 10 năm mà không bị xử lý, nói thì không ai tin nhưng ở Khánh Hòa là có thật.
Trong tờ trình gửi UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây về sai phạm của Công ty TNHH Phân bón Sông Lam, ông Võ Tấn Thái – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Khánh Hòa thông tin: “Trong ranh giới dự án, công ty đã cho xây dựng nhà máy không phép từ tháng 1/2008 và đi vào hoạt động từ tháng 1/2009”.
Văn bản này cũng cung cấp thêm thông tin: Ngoài việc xây dựng nhà máy không phép, công ty Phân bón Sông Lam còn xây dựng tường rào và nhà bảo vệ trên phần đất gần 2.500m2 thuộc quy hoạch giao thông của Nhà nước; Xây dựng các công trình trên cả phần đất trồng cây nông nghiệp.
Khi phóng viên tìm đến các cơ quan chức năng quản lý địa phương, đặt câu hỏi xung quanh việc Nhà máy Phân bón Sông Lam xây dựng không phép, tồn tại ở địa phương trong 10 năm qua thì chúng tôi đã không có được câu trả lời cụ thể.
Qua điện thoại, ông Bùi Ngọc Yến, Cán bộ địa chính xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm giãi bày: “Nhà máy phân bón Sông Lam là do UBND Thành phố Cam Ranh cấp phép. Sau đó, Cam Ranh chuyển giao lại cho Cam Lâm quản lý, chứ ban đầu không phải mình (chính quyền Cam Lâm – PV) quản lý”.
Cũng câu hỏi này, trả lời qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Cam Ranh lý giải: “Đây không phải là của Cam Ranh mà là Cam Lâm. Vì căn cứ vào thời gian tách huyện giữa Cam Ranh và Cam Lâm là năm 2007, còn dự án vi phạm bắt đầu từ tháng 1/2008 nên không thể “đổ” cái này cho Cam Ranh được”.
Sai phạm không xử lại đi lo hợp thức hóa cấp phép
Các sai phạm của Nhà máy phân bón Sông Lam vừa mới được phát hiện vào tháng 1/2019, sau hơn 10 năm Nhà máy được xây dựng và hoạt động không phép trên nền đất nông nghiệp.
Hôm 12/3/2019, Sở Kế hoạch Đầu tư Khánh Hòa có văn bản tham khảo ý kiến UBND tỉnh với nội dung: “Với dự án Nhà máy Phân bón Sông Lam việc xây dựng và đưa vào vận hành dự án khi chưa được cấp phép xây dựng được xử lý như thế nào?”
Trong khi hướng xử lý chẳng thấy được công bố thì không đầy 1 tháng sau, ngày 9/4/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Phân bón Sông Lam thực hiện dự án: Nhà máy phân bón Sông Lam.
Tổng vốn đầu tư dự án 6,5 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án 50 năm kể từ ngày UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Để hoàn tất nhanh thủ tục hồ sơ dự án, đến 9/9/2019, Công ty TNHH Phân bón Sông Lam đã có đơn xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên phần đất Nhà máy đang hoạt động từ đất trồng cây hàng năm khác sang đất sản xuất kinh doanh.
Mới đây, hôm 25/10/2019, Sở Tài nguyên Môi trường Khánh Hòa có văn bản trình UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Phân bón Sông Lam được phép chuyển quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất đến tháng 4/2069. Với hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Xung quanh những động thái mới của Công ty TNHH Phân bốn Sông Lam, ông Bùi Ngọc Yến - Cán bộ địa chính xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm cho rằng: “Vừa rồi theo yêu cầu của tỉnh, Nhà máy Phân bón Sông Lam đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh được tự tháo dỡ nhà máy để xin lại hồ sơ mới”.
“Thật ra nhà máy hoạt động hơn 10 năm nay, giờ cũng xuống cấp nên chủ đầu tư xin tháo dỡ công trình để làm thủ tục hồ sơ mới cũng hợp lý”, ông Yến nói.
Câu hỏi công luận đang quan tâm hiện nay, cần được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trả lời là: Vì sao một nhà máy tồn tại không phép, chiếm dụng đất nông nghiệp và đất quy hoạch giao thông cả chục năm qua không bị xử lý? Căn cứ nào để cấp giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho Công ty TNHH Phân bốn Sông Lam từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh?