Theo quyết định, nhà hát dự kiến sẽ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, việc nhà hát sẽ tọa lạc tại khu B công viên 23/9 lại không được ủng hộ cao. Ngay sau khi có quyết định, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM được giao tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về vị trí xây nhà hát vào ngày 10/5, nhưng đến hôm 14/6, việc này mới được thực hiện. Liệu quyết định có thay đổi vào giờ chót hay không, như đã từng, khi vị trí được chuyển từ Công ty Xổ số kiến thiết (năm 1999) sang công viên 23/9 (năm 2009) rồi khu đô thị mới Thủ Thiêm (năm 2010)? Nếu giữ nguyên quan điểm, thành phố sẽ có nhà hát mới sau khoảng hai năm nữa. Nếu có sự thay đổi (sang phương án còn lại ở Thủ Thiêm), mọi việc sẽ trở về như cũ, sẽ chẳng có nhà hát nào cho đến khi khu đô thị mới bên kia sông hình thành ở thì tương lai xa.
Từ chỗ xây hay không xây nhà hát, chuyển sang xây ở đâu, và giờ thì hàm chứa xung đột giữa quy hoạch đô thị với thụ hưởng không gian văn hóa. Tựu trung, các nhà xã hội học, quy hoạch đô thị, kiến trúc sư, cùng nằm chung nhóm phản đối. Nhóm ủng hộ là các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, trong đó có những người trực tiếp lẫn gián tiếp thụ hưởng. Ai cũng có cái lý của mình. Đơn cử, nhạc sĩ Vĩnh Lai khẳng định, đặt nhà hát ở công viên 23/9 sẽ đem lại một điểm giải trí, góp phần nâng cao thẩm mỹ cho nhân dân, ngược lại nhà nghiên cứu xã hội học đô thị Nguyễn Minh Hòa cho rằng xây nhà hát tại đây sẽ chiếm mất không gian vui chơi, thư giãn của người dân.
“Chúng tôi đồng tình với quan điểm không chỉ xây dựng một nhà hát, mà là tùy điều kiện kinh tế nên tính toán việc triển khai sao cho thuận lợi, hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM nhận định. Một thành phố cửa ngõ, hiện đại, đông dân không thể chỉ có một, hai nhà hát. Sau chừng ấy năm bàn tới bàn lui, có lẽ đã đến lúc cần hạ quyết tâm xây dựng một nhà hát tương xứng với vị trí, quy mô, sức phát triển của TP.HCM. Không thể nói nhẹ tênh rằng, đã chờ nhiều năm rồi thì đợi vài năm nữa cũng chẳng sao!