16/07/2015 8:27 AM
Nhiều khu nhà tái định cư ở Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng hỏng thang máy, chất lượng công trình xây dựng xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, nhiều diện tích được cho thuê, thay vì bố trí các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân.

Đường nước sinh hoạt đi chung với đường nước thải, thường xuyên tràn ra ngoài, gây ô nhiễm. Ảnh: DN

Giãn dây chằng vì leo thang bộ

Để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng của dự án đường 2,5 khu vực Đầm Hồng, ngay từ cuối năm 2011, gần 90 hộ dân ở đây đã chuyển về sinh sống tạiA khu nhà tái định cư G5 cao 11 tầng thuộc khu đô thị Đại Kim (phường Định Công, quận Hoàng Mai). Tuy nhiên chỉ sau hơn 3 năm nhận căn hộ, đến thời điểm này toà nhà đã bị xuống cấp, tường và móng nền của toà nhà đã bị lún nứt nghiêm trọng. Hệ thống thang máy liên tục hỏng, hệ thống nước thải không đảm bảo gây ách tắc, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các hộ dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Trung Tích - Tổ trưởng Tổ dân phố 47, khu đô thị Đại Kim cho biết, do chất lượng không đảm bảo, hệ thống cầu thang máy thường xuyên bị hỏng, ngắn thì 7 đến 10 ngày, có thời điểm kéo dài tới 6 tháng. Không có cầu thang máy, các hộ dân thường xuyên phải leo cầu thang bộ rất khổ sở. Nhiều hộ dân ở tầng cao còn phải di chuyển về nhà người thân để sinh sống mỗi khi thang máy trục trặc.

Mỗi lần thang máy hỏng, ông Nguyễn Việt Hưng, chủ căn hộ 1101 phải thường xuyên nghỉ làm. Thậm chí, người nhà ông Hưng đã bị giãn dây chằng vì leo cầu thang bộ lên tầng 11 bế cháu. Mặc dù tòa nhà có máy phát điện, nhưng lại chưa được sử dụng lần nào. Mỗi lần mất điện, các hộ dân phải ì ạch leo cầu thang bộ. Nguy hiểm hơn, đã có lần người dân bị mắc kẹt trong thang máy, phải dùng các dụng cụ cạy cửa cầu thang máy để giải cứu người mắc kẹt.

“Dự án đường 2,5 thì vẫn dẫm chân tại chỗ chưa biết ngày hoàn thành. Còn dân chúng tôi sau khi bàn giao mặt bằng cho dự án chuyển về khu tái định cư với chất lượng xập xệ. Nhà cao tầng mà cầu thang máy thì liên tục bị hỏng. Đặc biệt chúng tôi đã đóng 2% phí bảo trì khi đến nhận nhà, nhưng lại chưa được sử dụng để bảo trì”, ông Tích nói.

Ngoài cầu thang máy, hệ thống đường ống nước thải trong tòa nhà cũng là nỗi ám ảnh của các hộ dân. Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu để xe của tòa nhà, mặc dù trời nắng nóng nhưng nước vẫn chảy lênh láng trên nền nhà, mùi hôi thối nồng nặng bốc lên rất khó chịu. Các hộ dân phản ánh, do hệ thống thoát nước sinh hoạt và nước bể phốt đi chung, đường ống lại rất nhỏ nên rất hay xảy ra ách tắc, nước thải hôi thối lại tràn lên sàn nhà.

Doanh nghiệp làm ẩu

Người dân ở khu chung cư N3B Trung Hòa-Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), cũng cùng chung cảnh hằng ngày phải leo thang khi thang máy liên tục bị hỏng. Năm 2006, thực hiện dự án đường vành đai 3 hơn 160 hộ dân đã bàn giao mặt bằng về sinh sống tại khu tái định cư ở tòa nhà N3B.

“Theo quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn do thành phố ban hành thì trường hợp dự án không bố trí nơi sinh hoạt cộng đồng chủ đầu tư có trách nhiệm dành diện tích giữ lại thuộc phần sở hữu riêng để sử dụng làm phòng sinh hoạt cộng đồng với tiêu chuẩn tối thiểu. Nhưng bao năm qua, chúng tôi không có nhà cộng đồng. Trong khi diện tích tầng 1 của tòa nhà lại được cho thuê”, đại diện khu dân cư tòa nhà N3B bức xúc.

Điều đáng nói, theo các hộ dân ở khu N3B hiện việc cho thuê diện tích tầng 1 đang bị các doanh nghiệp làm ẩu sửa chữa làm nhà hàng, quán cà phê ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu của tòa nhà. Cụ thể, ngày 27/4/2014, Cty TNHH một thành viên Quản lý &Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị quản lý, khai thác tòa nhà, thuộc Sở Xây dựng), cho Cty CP đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội thuê toàn bộ diện tích tại tầng 1 nhà N3B. Dù trong hợp đồng ghi rõ việc sử dụng phải đúng mục đích, không được chuyển đổi, chuyển nhượng diện tích nhà cho thuê dưới bất kỳ hình thức nào.

Tuy nhiên, gần đây đơn vị này đã chuyển nhượng lại diện tích thuê tầng 1 nhà N3B cho doanh nghiệp khác để kinh doanh, vi phạm hợp đồng cho thuê. Đáng nói, sau khi thuê lại đơn vị này đã tiến hành tháo dỡ, sửa chữa, xây dựng trái phép, thay đổi kết cấu tòa nhà, gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến sự an toàn của hàng trăm hộ dân.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Xây dựng cho biết việc quản lý, vận hành khu nhà chung cư tái định G5 và N3B hiện do Cty TNHH Một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đảm nhiệm. “Không chỉ khu G5 và N3B mà trong thời gian qua việc quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư nói chung vẫn là vấn đề nhức nhối, nhiều bất cập. Đặc biệt, trong số đó là những sai phạm về việc cho thuê quỹ nhà tái định cư của Cty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội”, vị cán bộ Sở Xây dựng nói.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố đang giao cho các đơn vị tổng kiểm tra công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn của Cty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, trong đó làm rõ các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư; các công trình nhà ở và hạ tầng kỹ thuật tái định cư, đề xuất giải quyết cụ thể, kể cả thu hồi quản lý để giao đơn vị khác thực hiện.

Chủ đề: Tái định cư
Tú Anh-Dũng Nguyễn (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.