Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu vốn, việc tìm nguồn vốn mới cho thị trường vẫn đang là bài toán đau đầu với nhiều nhà đầu tư.
Nhà đầu tư “xoay” vốn bằng cách nào?
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp BĐS cần lựa chọn những giải pháp về vốn phù hợp cho mình

Trong báo cáo tài chính mới đây, ông Nicholas Holt - Phó Giám Đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường của Công ty Knight Frank Việt Nam, đơn vị đã có một thời gian dài nghiên cứu về thị trường BĐS Việt Nam, đưa ra một số giải pháp để nhà đầu tư tìm nguồn vốn cho mình.

Theo đó, lựa chọn tốt nhất là huy động cho một phần dự án thông qua việc
bán hàng trước khi hoàn thành dự án. Chẳng hạn, có thể huy động vốn thông qua hình thức mua bán nhà trên giấy hoặc phân lô, bán nền để tranh thủ nguồn vốn hợp tác từ người mua nhà đất, từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, hoặc từ chính dòng tiền có trong dân. Nếu bán hàng thành công có thể hỗ trợ tài chính, giảm bớt gánh nặng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, các hình thức này đang vấp phải khá nhiều phản ứng từ các cơ quan quản lý và tính rủi ro tương đối cao.

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể liên kết với nhau
về tài chính hoặc đơn giản là liên kết đất và tài chính. Hiện có nhiều chủ dự án tại Việt Nam xem đây là giải pháp thích hợp hơn, đặc biệt là khả năng hội nhập với các chủ đầu tư nước ngoài có tiền và kinh nghiệm thông qua việc chuyển nhượng dự án; hợp tác đầu tư, hợp tác từ lực lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, loại hình khác vào BĐS, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Thị trường BĐS Việt Nam còn nhiều tiềm năng và khả năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài không phải nhỏ. Tuy nhiên, cách thức hợp tác cũng như các chính sách thu hút đầu tư từ chính phủ cần có những cải thiện mang tính tích cực mới mong thu hút các đối tác nước ngoài khó tính.


Để tạo thuận lợi cho giải pháp vốn này, một mặt cần ưu đãi về tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng mặt khác cũng phải tìm cách nâng cao hiệu quả đầu tư của FDI vào thị trường BĐS nhà ở. Các nhà đầu tư nước ngoài phải đưa tiền thực vào đầu tư, không được tạo lợi nhuận bằng chính vốn huy động từ người tiêu dùng trong nước.


Bênh cạnh việc huy động vốn từ các tổ chức có tiềm lực,
nhà đầu tư cũng nên tận dụng những người có nhiều tiền mặt và nhu cầu thực để đầu tư những phân khúc hợp lý. Mặc dù mức sống của người dân đã được nâng lên đáng kể nhưng đa số chỉ có khả năng chi trả những căn hộ (hay mảnh đất) giá trên dưới 1-2 tỷ đồng.

Trong khi nhu cầu thì lớn, dự án thì nhiều nhưng các dự án đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân và đảm bảo về chất lượng cuộc sống của họ lại không phải là nhiều. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, phân khúc nhà giá rẻ hoặc hình thức cho thuê, mua nhà giá rẻ sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của người dân trong thời gian tới.


Ở cấp độ doanh nghiệp, các chủ đầu tư có thể huy động vốn
thông qua các khoản vay hoặc phát hành cổ phiếu. Việc huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cũng được xem là một nguồn tài chính quan trọng, mặc dù sự quan tâm tới thị trường chứng khoán hiện tại đã giảm đi. Những biến động của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua, cộng với việc thị trường này chưa biết khi nào mới “nhìn thấy tia sáng cuối đường”, thì chỉ những công ty BĐS lớn, có tiềm lực về vốn từ trước mới nên thực hiện phương thức này.

Lượng tiền nhàn rỗi ở trong dân còn khá lớn nên ông Nicholas Holt cũng cho rằng, việc
thành lập Quỹ tín thác BĐS (REITs) cũng là một giải pháp về vốn trong tương lai. Hình thức này đã được nhiều nước phương Tây và một số nước Đông Á sử dụng có hiệu quả để duy trì nguồn vốn cho thị trường. Mới đây, trong một đề án của mình, Bộ Xây Dựng đã đưa ra đề xuất thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó tập trung vào nội dung xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế huy động, cho vay vốn và cơ chế quản lý quỹ.

Được biết, Quỹ tiết kiệm hình thành bởi nhiều nguồn vốn khác nhau, bao gồm nguồn vốn huy động từ người có nhu cầu tạo lập nhà ở, vốn huy động từ doanh nghiệp phát triển nhà ở và các nguồn vốn hợp pháp khác. Quỹ tiết kiệm nhà ở có thể được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội và mức đóng góp dự kiến 1-2% tổng tiền lương hàng tháng của người lao động.


Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp có thể căn cứ vào thực trạng của đơn vị mình mà lựa chọn những giải pháp phù hợp. Giải pháp tích cực là chủ đầu tư phải tìm những cách bán hàng mới, chấp nhận chịu thua thiệt vì không có lợi nhuận để duy trì tính ổn định của sản phẩm.


Theo Thảo Nguyên (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0