Theo nguồn tin riêng của VnExpress, bên mua đã mất thời gian dài thẩm định hồ sơ, tìm hiểu kỹ tình hình tài chính của chủ dự án. Tuy nhiên do nhận thấy tham vọng thâu tóm của đối tác quá lớn, chủ đầu tư đã từ chối dù đang gặp khó khăn về tài chính.
Đằng sau đại gia bất động sản gốc Hoa nêu trên có khá nhiều quỹ đầu tư từ Hong Kong, Trung Quốc hậu thuẫn vốn. Hai năm qua, đơn vị này đã thu gom khá nhiều dự án có vị trí đắc địa tại khu vực quận 1, TP HCM. Trước đó có một khu đất vàng thuộc địa bàn quận 5 đã được doanh nghiệp mua bằng tiền mặt với giá hơn nghìn tỷ đồng.
Giữa quý II, một quỹ đầu tư bất động sản đến từ Hong Kong chào bán biệt thự tại quận 2, cũng tiết lộ kế hoạch săn đất sạch ở khu trung tâm Sài Gòn để phát triển dự án. Đại diện quỹ đầu tư này cho biết đã xúc tiến đầu tư vào một dự án tại Hạ Long (Quảng Ninh).
Bên lề Đại hội cổ đông thường niên năm 2014, Phó tổng giám đốc một công ty bất động sản cao cấp (quận 7, TP HMC) đang có giá trị hàng tồn kho hơn 5.000 tỷ đồng tiết lộ: "Đã có một tập đoàn đầu tư bất động sản lớn của Trung Quốc có vốn tỷ USD xúc tiến đàm phán M&A một dự án của chúng tôi. Đôi bên đã gặp gỡ nhiều lần và bước vào vòng đàm phán thứ hai".
Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng thành công của thương vụ trên, vị này cho hay vẫn còn quá sớm để dự đoán kết quả bởi lẽ doanh nghiệp rất cẩn trọng với chiến lược thâu tóm của khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc.
Trong một báo cáo kết quả nghiên cứu thị trường hồi đầu năm 2014, CBRE Việt Nam cho biết ở khu vực miền Trung (Việt Nam), một số nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu lộ diện. Các nhà đầu tư đến từ Hong Kong, Trung Quốc đang có chung khẩu vị là đều ngấp nghé nhiều dự án nghỉ dưỡng kèm theo loại hình kinh doanh giải trí ở Đà Nẵng.
Theo chuyên gia của Công ty tư vấn Hội nhập toàn cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa, câu chuyện thâu tóm bất động sản của nhà đầu tư Trung Quốc đang là chủ đề nóng bỏng tại các nước Anh, Mỹ, Australia và nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong gần một thập niên qua, dòng tiền của giới nhà giàu Trung Quốc, của các tập đoàn lớn từ Đại Lục hoặc ít nhiều có liên quan đến gốc Hoa đang chảy mạnh vào bất động sản ở khắp nơi trên thế giới.
"Cái bóng của nhà đầu tư Trung Quốc đang xuất hiện mọi nơi, đặc biệt ghi dấu ấn sâu đậm trong ngành bất động sản", ông Nghĩa nhận xét. Họ có chiến thuật thông qua các tập đoàn môi giới quy mô lớn để tiếp cận dự án một cách khéo léo. Việc nhà đầu tư Trung Quốc hay gốc Hoa âm thầm săn lùng các dự án bất động sản tại Việt Nam cũng nằm trong quỹ đạo đó.
Chuyên gia này cho biết, ở các nước có thị trường bất động sản phát triển, dòng vốn của nhà đầu tư Trung Quốc rót vào thị trường địa ốc đã được cảnh báo vài năm nay. Trong khi đó, cách đây10 tháng, một nước châu Á cũng từng tổ chức một hội thảo có chủ đề khá trực diện: "China or not China (Trung Quốc hay là không Trung Quốc)". Tại hội thảo này, các nhà đầu tư Nhật nêu quan điểm thẳng thắn: "out of China" dụng ý nói không với Trung Quốc.
Ông Nghĩa cho hay, qua quan sát và ghi nhận từ những đối tác, các nhà đầu tư Trung Quốc không thuần túy thâu tóm bất động sản. Họ thấu hiểu tình hình khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam và ngã giá dự án như đồ "đồng nát". Họ cũng rất tinh vi trong việc ép giá sao cho càng rẻ càng tốt. Có thể chính vì cách tiếp cận này mà các chủ đầu tư Việt Nam cũng rất cẩn trọng trước những thương vụ M&A.