CafeLand - Tình trạng trên diễn ra ở nhiều điểm du lịch khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng hai địa phương bị thiệt hại nặng nhất phải kể đến là Đà Nẵng và Nha Trang, nơi nguồn thu phụ thuộc chủ yếu vào khách Trung Quốc và Hàn Quốc.

Một số nhà đầu tư du lịch nhỏ lẻ ở hai thành phố du lịch này có số vốn không nhiều, lại ở xa, phải tự mình quản lý đang phải bù lỗ vô thời hạn.

Mới thử vận may đã gặp “hạn”

Danh sách các khách sạn, homestay cần “giải cứu” được tổng hợp và chia sẻ trên Facebook

Chị B.T. Hương (Sơn Tây, Hà Nội) sở hữu một căn hộ nằm trong Maple Hotel & Apartment (Nha Trang). Khi bắt đầu cho thuê căn hộ từ tháng 12/2019, chị Hương đã xác định ba tháng đầu hòa vốn và mất thêm khoảng 15 triệu đồng chi phí ban đầu.

Bắt đầu kinh doanh ngay mùa thấp điểm du lịch, căn hộ của chị Hương chỉ có doanh thu vừa đủ chi phí vận hành. Đến khi dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona manh nha ở Vũ Hán, chị Hương phải hạ giá phòng hết cỡ nhưng cũng chỉ đủ tiền điện nước, sửa chữa đồ hỏng hóc, vé máy bay,...

Đầu tiên là việc khách Trung Quốc báo hủy phòng vì Vũ Hán có dịch. Sau đó căn hộ hầu như bỏ trống, không có khách thuê dù chị đã dành nhiều tâm huyết và di chuyển Hà Nội – Nha Trang như đi... chợ.

“Tháng này chỉ có hai mẹ con mình vào ở ba ngày thôi chứ không có khách nào thuê”, chị Hương nói.

Anh Lê Quân (Hà Nội), người sáng lập Wave Travel hoạt động ở Nha Trang lâu năm chuyên về tour các đảo, cũng điêu đứng không kém khi dịch được công bố.

Trao đổi với CafeLand, anh Lê Quân cho biết khoảng trước Tết, không phải mùa du lịch, lượng khách tour các đảo được khoảng trên dưới 50 người/tháng. “Đến lúc có tin chính thức về dịch thì giảm gần như về 0”, anh nói.

Theo anh Quân, đến nay Nha Trang vẫn gần như không có khách Hàn Quốc và Trung Quốc, chỉ có một ít khách Việt, còn khách châu Âu không đáng kể.

Kiếm khách đã khó, giữ còn khó hơn

Giống như chị Hương, anh Quân cũng chịu tổn thất nặng nề khi chủ sở hữu bảy căn biệt thự từ 2 – 4 phòng ngủ tại Homie Homestay & Villa ở Đà Nẵng.

“Du khách huỷ hết những phòng đã đặt trước đó, khách nào không huỷ là vì họ sang Việt Nam từ trước Tết”, anh Quân cho biết.

Homie Homestay & Villa của anh đã giảm giá căn từ 6 triệu đồng/đêm xuống còn 3,5 triệu đồng/đêm. Anh Quân cho biết không có ý định giảm giá thêm vì “có giảm thì cũng không có khách”.

Hình ảnh không mấy lạ ở Đà Nẵng mùa dịch

Không riêng gì anh Quân, nhiều cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng và Hội An cũng đồng loạt giảm giá xuống đến 800.000 – 1.000.000 đồng/đêm cho phòng từ 6 – 8 người nhưng vẫn không có khách.

Cách Đà Nẵng khoảng 20km, Hoi An Emerald Riverside Villa (Quảng Nam) đã giảm giá tới 69%, chỉ còn 400.000 đồng/đêm cho phòng view hồ bơi.

Tìm khách đã khó vậy, giữ được khách còn khó hơn khi “bên lưu trú mà có khách người châu Á, hàng xóm gần đấy nhìn thấy là họ báo công an phường, báo Uỷ ban nhân dân là mình chưa chấp khách Trung Quốc, Hàn Quốc, trong khi đó là khách người Singapore”.

“Bên phường nghe báo họ phải đi kiểm tra, mà mỗi lần như thế khách sẽ thấy rất phiền, nhiều khách bực quá họ huỷ phòng, đi khách sạn khác ở”, anh Quân kể.

Chấp nhận bù lỗ và không có phương án chống đỡ

Bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, nay rất vắng khách

Khi nhắc đến phương án chống đỡ khi phòng trống quá nhiều, chị Hương cũng chỉ biết ngậm ngùi: “Nha Trang phụ thuộc 80% vào khách Trung Quốc và Hàn Quốc nên không còn cách nào khác. Chấp nhận tình hình chung, mình phải bù lỗ”.

Chị Hương cho biết thêm, mỗi tháng đang phải mất 15 triệu đồng chi phí cứng cho căn hộ không sinh lời được trong mùa dịch Covid-19.

“Hiện giờ thì không có phương án. Có kêu cũng không được, thiên tai dịch bệnh mà”, anh Quân chia sẻ thẳng thắn.

Trong báo cáo tác động của dịch cúm Covid-19, Công ty chứng khoán ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam (BSC) nhận định bất động sản nghỉ dưỡng là ngành chịu tổn thất nặng nề nhất cả trong thời điểm ngắn hạn và dài hạn.

Từ thực tế trên, các nhà phân tích của công ty này cũng cho rằng các doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng sẽ khó khăn trong việc mở bán vì tâm lý e ngại của các nhà đầu tư.

Thanh Hường
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...

  • Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...

  • Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.