Chìm nổi theo bất động sản
Cùng với sự đóng băng của bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng với hàng trăm loại sản phẩm từ sắt thép, xi măng, gạch ốp lát... cũng rơi vào cảnh ế ẩm, tiêu thụ giảm mạnh, thậm chí không bán được hàng.
Cùng với sự đóng băng của bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng với hàng trăm loại sản phẩm từ sắt thép, xi măng, gạch ốp lát... cũng rơi vào cảnh ế ẩm
Trên thực tế, bất động sản không phát triển lẻ loi một mình. Thị trường này tạo ra nhu cầu và động lực cho hàng trăm ngành nghề khác nhau phát triển. Do đó, không có những công trình, dự án được đầu tư, xây mới thì sắt thép, xi măng cũng mất đi cơ hội phát triển.
Bằng chứng là từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản suy yếu đã khiến nhu cầu thép không tăng trưởng, sức tiêu thụ thấp khiến nhiều doanh nghiệp ngành thép có lượng hàng tồn kho tăng cao, hầu hết phải cắt giảm sản xuất.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, doanh số bán hàng thép các loại trong tháng 10.2022 đạt gần 1,9 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ.
Sau 10 tháng đầu năm, bán hàng thép thành phẩm của cả nước đạt 23,2 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép chỉ đạt 5,3 triệu tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ.
Lượng tiêu thụ sắt thép trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu giảm mạnh, trong khi nguồn hàng tại các nhà máy sản xuất vẫn còn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp ngành thép đang gặp khó trong những tháng cuối năm 2022.
Hiện hàng tồn kho của cả nước tính đến hết tháng 10 đang ở mức 2,2 triệu tấn, tương đương với sản lượng tiêu thụ của 1 tháng.
Theo thông lệ, thời điểm cuối năm là giai đoạn người kinh doanh sắt thép mong chờ nhất bởi hoạt động xây dựng diễn ra sôi nổi, nhiều công trình bắt đầu thi công. Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế, thị trường vật liệu xây dựng đang rơi vào giai đoạn trầm lắng dù đang vào mùa xây dựng cao điểm.
Thời gian qua, giá thép xây dựng trong nước đã nhiều lần giảm giá, hiện đang dao động ở mức 14-15 triệu đồng/tấn. Giá thép giảm là tin vui đối với ngành xây dựng, vì thép chiếm khoảng 20-30% chi phí công trình. Nhưng khác với mọi năm, các cửa hàng nhỏ lẻ hay đại lý lớn không dám "ôm" hàng.
Trước nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, một số nhà máy thép trong nước buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất, đẩy mạnh xả hàng tồn kho để giảm đi áp lực kinh doanh trong giai đoạn quý cuối năm.
Doanh số bán hàng thấp, lợi nhuận giảm mạnh
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo sản lượng tiêu thụ thép của doanh nghiệp đầu ngành là Hòa Phát tiếp tục ở mức thấp trong quý 4.2022 và đi ngang trong năm 2023.
Sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát sẽ ở mức thấp trong quý 4.2022 do ngành bất động sản tăng trưởng chậm lại
Cụ thể, sản lượng bán hàng thép xây dựng năm nay sẽ đạt 3,8 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ, do hoạt động xây dựng dân dụng trong nước trầm lắng. Giá bán trung bình mặt hàng này cũng được dự báo ở mức 15,5 triệu đồng/tấn, giảm 2% so với cùng kỳ.
Tương tự, sản lượng bán thép cuộn cán nóng HRC của Hòa Phát đạt 2,5 triệu tấn, giảm 4%, do nhu cầu xuất khẩu suy yếu trong những tháng qua, giá HRC trung bình năm sẽ đạt khoảng 739 triệu USD. Trong khi đó, sản lượng bán ống thép được dự báo đạt 700.000 tấn, tăng 4% và tôn mạ đạt 300.000 tấn, giảm 30% so với năm 2021.
Sang năm 2023, VCSC dự báo sản lượng bán các sản phẩm thép của Hòa Phát sẽ đi ngang so với năm trước do hoạt động xây dựng dân dụng trong nước vẫn không có nhiều khởi sắc. Nhu cầu thép sẽ được bù đắp một phần bởi mức chi tiêu công dự kiến cho cơ sở hạ tầng.
Với việc nhu cầu thép suy giảm theo thị trường bất động sản, VCSC dự báo biên lợi nhuận của Hòa Phát sẽ giảm mạnh hơn vào năm nay do doanh số thấp, sau đó phục hồi vào năm 2023.
Mặc khác, với giá thép bán ra đang bình ổn trong khi giá than đầu vào giảm mạnh, VCSC kỳ vọng chênh lệch đầu vào - đầu ra sẽ phục hồi so với quý trước trong quý cuối năm 2022.
Tuy nhiên, VCSC cho rằng sản lượng bán thấp trong quý 4 sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp này. Cụ thể, VCSC dự báo biên lợi nhuận gộp phục hồi đạt 7,7% trong quý 4 và phục hồi lên 16,7% trong năm 2023 do dự báo chi phí nguyên liệu đầu vào ở mức thấp và sản lượng tiêu thụ thép được cải thiện.
Qua đó, VCSC dự báo Hòa Phát sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 1.200 tỉ đồng trong quý 4.2022 do sản lượng bán hàng thấp và lỗ tỉ giá cao. Trong khi đó, lợi nhuận ròng năm 2023 sẽ đạt 13.400 tỉ đồng, tăng 45% so với năm 2022, nhờ chênh lệch giá đầu ra và giá đầu vào cao hơn và lỗ tỉ giá thấp hơn.
-
Nhu cầu hạn chế, giá thép xây dựng sẽ còn giảm
Trước sức ép nhu cầu suy yếu khi thị trường bất động sản và giải ngân đầu tư công trì trệ, giá thép trong nước vẫn có khả năng giảm thêm trong thời gian tới.
-
Tỷ phú Trần Đình Long tiết lộ việc Hòa Phát nghiên cứu sản xuất thép đường ray tàu cao tốc, đã triển khai được 3 năm
Chủ tịch Trần Đình Long tiết lộ, trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Do đó, việc sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc hoàn toàn trong khả năng của doanh nghiệp này....
-
Nhu cầu yếu và lãi suất cao khiến ngành thép châu Âu gặp khó
Với việc các nhà sản xuất thép khó có thể tăng giá trong bối cảnh nhu cầu yếu và lãi suất cao, thị trường thép châu Âu đang đối mặt với những khó khăn chồng chất.
-
Giá quặng sắt phục hồi sau gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc
Theo MXV, giá quặng sắt đã phục hồi 1,22% lên hơn 102 USD/tấn, chủ yếu nhờ kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới từ Trung Quốc.