Nhiều hạng mục ở chung cư Tân Mỹ bị xuống cấp. Ảnh: Phan Định
Chung cư xuống cấp do đâu?
Nhiều năm nay, người dân sống tại chung cư Tân Mỹ (Q.7) cũng rất bức xúc về tình trạng chung cư xuống cấp một cách nhanh chóng.
Hình ảnh không đẹp tại chung cư Tân Mỹ (Q.7)Ảnh: Phan Định
Bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ block B), dọn vào ở tại chung cư Tân Mỹ vào năm 2011 nhưng chưa đầy 2 năm thì tường nhà đã bắt đầu ẩm mốc, tường bong tróc vôi vữa, nước ngấm từ toilet tầng trên xuống,… Mỗi lần như vậy, bà Hoa đều báo với Ban quản lý (BQL) để lên sửa chữa nhưng sau vài lần bảo trì thì tình trạng trên vẫn tái diễn.
Cũng theo bà Hoa, vài tháng trở lại đây, một số căn hộ tại cả 2 block A và B tiếp tục xuất hiện tình trạng tường nứt toác, nền gạch bong tróc,… khiến cho người dân lo sợ. Bên cạnh đó, hệ thống thang máy cũng là vấn đề nan giải mà nhiều năm nay vẫn chưa được khắc phục.
Chị Mai Ngọc Thảo (ngụ block A) cho biết, block A được trang bị 4 thang máy, nhưng đến nay chỉ còn 1 cái hoạt động được và 1 cái sắp hư. “Thang máy ở đây ám ảnh lắm, mở cửa ra có khi nó chênh lên cả gang tay. Hôm nào đông thì chờ 15 phút hơn mới tới lượt còn đi thang máy thì rung lắc, kẹt thang máy là thường xuyên”, Chị Thảo bức xúc.
Tình trạng vẽ bậy cũng xuất hiện ở chung cư Tân MỹẢnh: Phan Định
Theo ghi nhận, không chỉ thang máy mà vấn đề về vệ sinh tại chung cư Tân Mỹ cũng vô cùng nhếch nhác. Một số hộ dân sống trên cao vô tư vứt rác thẳng xuống khuôn viên của chung cư. Bên cạnh đó, một số hộ dân nuôi chó mèo thả rong phóng uế bừa bãi ngay trên hành lang, thang bộ, thậm chí ngay cả trong thang máy cũng có phân chó mèo.
“Thang máy thì hư tới hư lui, rác thì 2 - 3 ngày mới có người dọn, bụi đóng dày cả lớp, nên có một số hộ không chịu đóng 70.000 đồng phí quản lý vì họ thấy số tiền đó quá vô lý”, chị Thảo cho biết.
Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Thông, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Tấn Thông, đơn vị quản lý vận hành chung cư Tân Mỹ thì cho biết công ty được người dân thuê vào với mức giá quản lý vận hành. Đây là chung cư tái định cư, thu nhập và ý thức người dân cũng không cao. Cũng do ý thức người dân mà xuất hiện tình trạng kẹt rác ở ống rác, rác ở sân, ở hành lang.
Về các mảng tường bong tróc, ông Thông cho biết công ty không quản lý nổi, người chịu trách nhiệm là Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn và Công ty Dịch vụ công ích quận 8. Hiện đơn vị này vẫn chưa bàn giao 2% quỹ bảo trì để sửa chữa các hạng mục hư hỏng. Mặt khác, nhiều cư dân cũng không đóng phí quản lý vận hành 70.000 đồng/tháng gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành.
Thang máy làm mệt tim
Dù bỏ ra tới gần 2 tỉ để mua một căn hộ ở Saigonres Plaza do Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Nam Đô làm chủ đầu tư (CĐT) vậy nhưng những cư dân ở đây, nhất là tại block B suốt một thời gian dài phải kêu cứu và gửi đơn phản ánh liên tục về chất lượng thang máy.
Những phản ánh liên tục được gửi đến chủ đầu tư và cả UBND phường từ cuối năm 2017.
Anh N.H.A (ngụ block B, chung cư Saigonres Plaza) cho biết anh mua căn hộ giá 2,1 tỉ đồng và mới nhận nhà từ tháng 1.2017. Dành số tiền tích cóp để mua một căn hộ cao cấp với hy vọng có một cuộc sống thoải mái, bình yên, vậy nhưng anh A. cũng không ít lần ‘tái mặt’ vì gặp sự cố với thang máy.
Anh A. chia sẻ: “Tình trạng thang máy bỏ tầng, đóng chậm thường xuyên xảy ra. Có mấy lần thang bị rơi tự do, ai bước ra mặt mũi cũng tái mét vì sợ. Dù CĐT đã tới khắc phục nhiều lần nhưng đâu rồi cũng vào đó”.
Vấn đề thang máy ở chung cư Saigonres Plaza khiến nhiều người dân sống trong lo sợ. ẢNH: Vũ Phượng
Anh N.Đ.H (người dân chung cư) cũng dí dỏm kể: “Lại một lần nữa được tận hưởng cảm giác “không tuân lệnh” của lão thang máy số 9. Lão vừa lên qua hết tầng 16 thì mất hết cả đèn và tuột xuống tầng B. Lúc này lão đang nâng khoảng 6 người, nếu 1 người chắc đã có tiếng thét…”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Quang Khánh, Chủ tịch P.26, Q.Bình Thạnh cho biết UBND phường thường nhận được phản ảnh của cư dân ở Saigonres Plaza về 2 vấn đề liên quan đến chất lượng chung cư, đó là: chất lượng trang thiết bị và thang máy.
Trong đó, riêng chất lượng trang thiết bị thì phường đã hòa giải và để CĐT làm việc với người dân. Còn về thang máy, UBND quận với phường cũng xuống yêu cầu CĐT giám định và công khai việc khắc phục, sửa chữa để bà con yên tâm sinh sống.
Đến nay, theo phản ánh của cư dân ở đây, sau nhiều lần bảo trì, tới nay chung cư bớt tình trạng rớt thang nhưng chất lượng thang máy cũng chưa thật sự tốt vì có những trường hợp bấm số tầng không ăn.
Thay lời kết: Khi mọi người tập trung về các đô thị lớn ngày càng nhiều thì nhu cầu về nhà ở cũng tăng lên, và nhà chung cư là sự lựa chọn của rất nhiều người để an cư, lập nghiệp. Vậy nhưng người dân ở nhà chung cư cũng phải đối mặt với không ít vấn đề khiến họ phải đau đầu, mệt mỏi như: tranh chấp với chủ đầu tư, chuyện đổ rác, sổ hồng, phần diện tích chung,... Không chỉ thế, sau sự cố ở chung cư Carina Plaza vừa rồi, nhiều người ở chung cư còn nơm nớp lo sợ vì không biết tai họa sẽ ập đến lúc nào. Nhiều người được hỏi cho biết họ lựa chọn nhà chung cư vì an toàn, văn minh, yên tĩnh nhưng sau những sự cố, tranh chấp liên tiếp về nhà chung cư vừa qua, không ít người có ý định mua chung cư đã phải "khựng" lại suy nghĩ hoặc tạm hoãn. Nhiều quyền lợi của người ở nhà chung cư cũng bị tước đoạt, không đúng như lời chào bán ban đầu trong đó có cả các vấn đề về an toàn tính mạng. Nhà chung cư liệu có còn là một nơi "an cư" khi cư dân bỏ tiền tỉ để mua nhà nhưng cứ phải đau đầu vì các các vấn đề tranh chấp?! |
-
Nhà chung cư ở TP.HCM, nhiều người than: Có ‘xẻ thịt’ diện tích chung?
Tại nhiều chung cư, phần diện tích sử dụng chung như: công viên, bãi giữ xe, nhà sinh hoạt cộng đồng,… bị chủ đầu tư (CĐT) ‘xẻ thịt’ thành các căn hộ nhỏ để bán, cho thuê...