19/10/2011 12:59 AM
Tại các KCN chỉ có khoảng 20% công nhân có chỗ ở ổn định, còn lại phải tự lo chỗ ở. Tuy nhiên, một nghịch lý là thiếu chỗ ở nhưng nhiều khu nhà ở cho công nhân lại đang để trống vì không đảm bảo điều kiện sống.
TP.HCM: Trên 40% nhà ở cho công nhân chưa đạt yêu cầu

Để giải quyết chỗ ở cho công nhân tại các KCN, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP, Quyết định số 66/TTg vào năm 2009 về một số cơ chế, chính sách với nhiều ưu đãi cho phát triển nhà ở công nhân và phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 50% lao động được đáp ứng chỗ ở.

Nhà cho công nhân: Xây xong rồi để trống?

Khu nhà ở cho công nhân ở Bình Dương. Ảnh: CA

Nhưng sau 2 năm triển khai, cả nước mới có 27 dự án được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, góp phần giải quyết chỗ ở cho 140.000 công nhân và mới có 1 dự án được ký kết hợp đồng tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Kết quả này quá khiêm tốn so với mục tiêu của Quyết định số 66/TTg.

Theo ông Vũ Hồng Quang, Phó Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc tại các KCN trong cả nước, trong đó 70% là người ngoại tỉnh đến làm việc và có nhu cầu thuê nhà ở nhưng hiện Nhà nước và các doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được từ 7-10%, trên 90% số lao động còn lại hiện vẫn phải thuê nhà trọ của các hộ dân.

Mặt khác, chất lượng của các khu nhà ở công nhân cũng chưa đạt yêu cầu. Trên 40% nhà trọ ở TP.HCM chưa đảm bảo được các tiêu chuẩn đề ra về điều kiện ăn, ở của công nhân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do các doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân xây dựng nhà trọ công nhân ngoài KCN hiện chưa được hưởng các ưu đãi về thuế, về vay vốn, hạ tầng nên chưa khuyến khích các đối tượng này xây dựng nhà lưu trú công nhân với quy mô hoàn chỉnh, đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho công nhân.

Ông Nguyễn Văn Danh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, trên thực tế, khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn, thậm chí không vay được vốn do các tổ chức tín dụng thẩm định phương án đầu tư không hiệu quả, thời gian thu hồi vốn quá dài từ 20-30 năm.

Còn ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thì lý giải, từ cuối năm 2008 đến nay thị trường BĐS không thuận lợi nên việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở cũng bị chậm lại.

Một nghịch lý đang tồn tại là trong khi nhà ở cho công nhân thiếu nghiêm trọng thì một số khu nhà ở cho công nhân lại để trống vì công nhân không chịu ở do cảm thấy quá bó buộc với các quy định như về giờ giấc, khu nhà ở dành cho nữ, nam cách biệt, hạn chế giao lưu, nấu ăn tại các khu nhà ở công nhân thường bị cấm do các lý do về an toàn cháy nổ.

Ngoài ra, do thu nhập của công nhân thấp và không ổn định, giá thuê nhà lại cao nên không thu hút được công nhân vào ở.

Cần chế tài bắt buộc

Để tháo gỡ được những vướng mắc này, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Phó Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản khẳng định, để đạt mục tiêu 50% công nhân được đáp ứng chỗ ở vào năm 2015, phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

"Phát triển nhà ở cho người nghèo nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng là việc khó nhưng hoàn toàn có thể vượt qua”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, tại Hà Nội, các doanh nghiệp sử dụng lao động rất hạn chế tham gia xây dựng nhà ở. Việc tham gia của các doanh nghiệp vẫn chủ yếu là sự hảo tâm mà chưa có chế tài bắt buộc.

“Vì vậy, một trong những giải pháp để phát triển các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN - KCX là cần ban hành chế tài bắt buộc các chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm, nghĩa vụ về nơi ở với lao động của mình”, ông Tuấn đề xuất.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Sơn Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà ở Sơn An, Nhà nước nên giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương mỗi năm phải xây dựng bao nhiêu mét vuông nhà ở cho công nhân chứ cứ ra nghị định, thông tư rồi kêu gọi, rất khó thực hiện.

Đồng thời, Nhà nước cũng phải khen thưởng kịp thời những doanh nghiệp làm tốt và có chính sách đa dạng nguồn vốn để tạo điều cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho công nhân.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Đất Lành lại đề xuất “phải xây nhà giá thật rẻ”.

Cùng với việc đa dạng hóa các loại hình căn hộ, Nhà nước cũng cần qui hoạch các khu nhà ở công nhân ở ven thành phố, gần các KCN - KCX và qui hoạch thành từng cụm từ 10 – 100 ha có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Nhà nước cũng phải tạo quĩ đất sạch, duyệt các thủ tục qui hoạch, kiến trúc và đấu thầu để chọn doanh nghiệp xây dựng căn hộ có giá thành thấp. Các căn hộ cũng chỉ từ 20 - 40m2 dành cho 1 - 2 người,...

Ngoài ra, các giải pháp xây dựng, như lắp ghép bêtông nhẹ, sử dụng móng trên nền đất tự nhiên thay vì móng cọc để tiết kiệm 60% chi phí làm móng... cũng là biện pháp được đề xuất để giảm giá thành xây dựng nhà ở công nhân.
Theo Châu Anh – Việt Dũng (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.