30/12/2017 8:08 AM
Người Việt cổ không có những công trình kiến trúc đồ sộ. Có lý thuyết cho rằng ngôi nhà Việt cổ liên quan đến kích thước nhân chủng học. Người Việt cho đến đầu thế kỷ trước vẫn chỉ có chiều cao trung bình nam 155cm, nữ 146cm. Theo khảo sát của Viện y học ứng dụng khoa học thì trong vòng 100 năm qua người Việt chỉ cao lên trung bình được 9cm. Nam giới vẫn đứng ở vị trí thứ 19 và nữ giới thứ 13 tính từ dưới lên so với thế giới.

Hà Nội có nhiều khu chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng (ảnh: realtorvietnam.org).

Tất nhiên đó cũng có thể là một trong những nguyên nhân người Việt xưa thường ở nhà nhỏ mà không phải là tất cả. Những nguyên nhân khác còn trực tiếp và có tính quyết định hơn nhiều. Đói nghèo, chiến tranh chẳng hạn. Bản tính không muốn phô trương của người Việt cũng có thể coi là một nguyên nhân khác.

Những năm ’60 dân số Việt Nam chỉ bằng một phần ba bây giờ. Đất đai ở các vùng nông thôn còn rất rộng. Mỗi gia đình ở trên mảnh đất vài sào là chuyện thường. Tuy nhiên ngôi nhà của họ thường lọt thỏm trong vườn tược mênh mông bao quanh. Thường thì là một ngôi nhà tranh hoặc lợp ngói gồm có ba gian. Nhà giàu có thêm hai chái. Tổng cộng chỉ độ sáu chục mét vuông.

Hà Nội ngày mới tiếp quản 1954 dân số còn ít. Những ngôi nhà trên khu phố cổ phần lớn mỗi gia đình đều sử dụng riêng một số nhà. Khu phố mới là những biệt thự lớn rộng hàng vài trăm mét vuông cũng chỉ có duy nhất một chủ mà thôi. Nhiều gia đình nghe theo vận động của chính quyền cách mạng đã hiến tặng nhà cửa cho nhà nước. Hiến những nhà không ở đến và hiến cả vài phòng trong ngôi nhà mình đang ở. Cán bộ, công nhân viên chức mới nhập cư được thuê lại của nhà nước những căn buồng như vậy. Chật chội bắt đầu nảy sinh khi ngày càng có nhiều người nhập cư. Nhà nước phải cho xây dựng cấp tốc những khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên để giải quyết chỗ ở cho dân. Những “căn hộ” thời kỳ này chỉ khoảng 20m2 và công trình phụ dùng chung cho cả tầng.

Khái niệm nhà chật trở nên quen thuộc vào quãng những năm ’70. Những khu tập thể lắp ghép mới ra đời ở Trương Định, Trung Tự, Bách Khoa với nhiều căn buồng chỉ vỏn vẹn 15m2 cho một gia đình. Được chia những căn hộ này phải bầu bán ở cơ quan rất chặt chẽ. Có ưu tiên cho thương binh và những cán bộ thực sự không có chỗ ở. Nhiều căn hộ rộng hơn chút ít được chia cho hai gia đình. Người ta phải tự thu xếp để sống chung hoặc bán phần của mình cho người ở lại. Bỏi vì đôi khi một cán bộ nam độc thân được phân nhà ở cùng căn hộ với cán bộ nữ cũng một mình. Cơm ai người nấy ăn cũng chẳng sao nhưng phiền nhất chuyện ra đụng vào chạm.

Cùng với việc sinh sôi về nhân khẩu, chỗ ở của dân phố ngày càng chật chội. Đỉnh điểm là những thập niên ‘80,’90 gần như không còn ai được ở nhà rộng nữa. Người ta phải nghĩ ra đủ cách cơi nới chỗ ở của mình. Đầu tiên là cái ban công tầng hai biến thành khu bếp núc. Tiếp đến là muôn vàn kiểu gác xép được làm ngay trong căn buồng đang ở. Nhà trần cao, gác xép có thể đứng. Trần thấp lên gác xép phải bò. Các loại thang tre, thang gỗ và thang sắt chôn vào tường nhà nào cũng có. Đến chơi với bạn thường là gặp đôi chân của ông ấy thò từ lỗ cầu thang gác xép xuống trước khi nhìn thấy mặt. Cũng có khi ông ấy không ngần ngại mời mình trèo lên gác xép để chuyện trò bù khú. Rượu vài tuần quên phắt rằng đang ngồi trên gác xép. Cứ thế đứng lên vươn vai cộc đầu là tỉnh hẳn.

Cũng có khi những đôi vợ chồng mới cưới được phụ huynh nhà ấy cho ngự trên gác xép. Gọi là ở tạm nhưng cũng có đôi sinh đến hai mặt con vẫn còn ở trên ấy. Chật chội sinh ra những tính toán diện tích hài hước. Đã nhiều người chế ra hệ thống ròng rọc. Khi về nhà có thể rút chiếc xe đạp của mình treo lên trần nhà để lấy chỗ ngồi ăn cơm. Thế nhưng đúng vào thời kỳ này thị dân lại có nhiều đồ đạc nhất. Toàn những đồ gần như phế thải nhưng không thể vứt đi. Vài đôi dép nhựa rách trong gầm giường. Quần áo chăn màn rách chật ních trong tủ. Những đồ mới phải tích trữ cũng vô khối. Mấy chiếc chậu nhôm và nồi xoong trên nóc tủ. Chiếc lốp xe đạp mới được phân phối đóng đinh treo trên tường cùng với vài chiếc cánh quạt máy bằng nhựa. Chục bát méo tròn đủ kiểu buộc dây đay xếp trong chạn bát. Nhà nào cũng phải có ít nhất một cái bơm và vài chiếc cờ lê để vặn vẹo xe đạp những lúc khẩn cấp. Thùng xô chậu để tích trữ nước ăn cũng là những thứ không thể thiếu. Và chiếm rất nhiều chỗ.

Giờ thì dân phố ít người còn phải ở chật chội như thế. Căn bệnh tích cóp những đồ đạc không dùng đến cũng bắt đầu thuyên giảm. Những thùng, xô chậu trữ nước vứt đi hết. Xe đạp xe máy không dùng nữa mang cho ngay khỏi chật nhà. Vài chiếc TV thời kỳ bóng hình dài vẫn xem tốt cũng gọi đồng nát vào. Phải nói khó họ mới mang hộ đi cho. Đó là một nguyên nhân khiến cho căn nhà của thị dân thêm phần rộng rãi.

Hàng trăm khu chung cư cao tầng mọc ra trong thành phố đã là nơi cư trú của rất nhiều thị dân. Những nơi ấy được thiết kế như một đô thị vệ tinh với đầy đủ dịch vụ sinh hoạt học hành. Ai có đủ tiền đều có thể mua để ở hoặc đầu tư. Thế nhưng bình tâm suy nghĩ lại một chút thôi sẽ thấy. Nhà rộng ra luôn đồng nghĩa với phố chật đi. Chẳng biết nên chọn thứ gì?

Đỗ Phấn (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.