Nhân dịp đầu xuân Tân Mão, trò chuyện với Tamnhin.net, ông Cao Sỹ Kiêm - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hy vọng thị trường tiền tệ năm 2011 ổn định, phục vụ theo cung cầu của thị trường, đừng có giật cục, giữa nói và làm, giữa tuyên bố và thực hiện phải sát nhau.


Ông Cao Sỹ Kiêm - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Đánh giá của ông về tác động của giải pháp chính sách tiền tệ mà NHNN thực hiện trong năm qua?

- Năm qua, việc kiểm soát thị trường tiền tệ của NHNN đã theo cung cầu hơn, việc thắt chặt tiền tệ cũng có thể nói là hợp lý hơn. Tuy nhiên, khó khăn là lạm phát vẫn cao của năm nay, và những tồn tại của nền kinh tế chưa khắc phục được. Đó cũng là thách thức của hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Còn về cách điều hành của NHNN, nói chung thì cách điều hành của NHNN đã tiến lên một bước, có nhanh nhạy trong chuyển hướng theo cung cầu thị trường và theo hướng dẫn chỉ đạo của Chính phủ.

Khuyết điểm nổi lên là, những quyết sách của NHNN đôi khi không được kịp thời, giải thích tuyên truyền giữa những tuyên bố với việc thực hiện không ăn khớp nhau. Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và các chính sách khác, như chính sách tài khóa... không được chặt chẽ.

Qua những hạn chế như vậy, người ta nhìn hoạt động chính sách tiền tệ trong năm là chưa thông suốt được. Do vậy, đôi khi tạo nên sự phản ứng của doanh nghiệp và xã hội.

Năm 2011, Chính phủ tuyên bố sẽ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát. Ông có cho rằng đây sẽ là chính sách thích hợp cho thị trường tiền tệ năm tới?

- Cái đó là đúng. Việc ổn định kinh tế vĩ mô năm tới phải làm cho tốt. Mà ổn định kinh tế vĩ mô thì chủ yếu là vấn đề lạm phát. Muốn ổn định kinh tế trước hết phải giảm được lạm phát.

Điều đó cũng đồng nghĩa là chúng ta sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thưa ông?

- Đã ổn định kinh tế vĩ mô thì phải hy sinh tăng trưởng, chứ không thể nào vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa giảm lạm phát vừa tăng trưởng. Đã giảm lạm phát là phải thắt chặt tiền tệ. Mà việc thắt chặt tiền tệ làm cho tốc độ tăng trưởng chậm lại. Mình phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng.

Năm 2011, chúng ta đặt mục tiêu lạm phát không quá 7%, vậy cần phải làm gì để tránh lặp lại sự “lỡ đà” như năm 2010 vừa qua?

Trước hết, ta phải bảo đảm sản xuất với chất lượng cao và có tốc độ nhanh. Thứ hai, cần quản lý thị trường giá cả một cách hợp lý, chặt chẽ, không để cơn sốt, thiếu hụt, làm giá tâng giá... Tạo bước đầu giảm bội chi ngân sách, giảm nhập siêu, giảm hệ số ICOR... tất cả những cái đó làm giảm khả năng lạm phát, tăng trưởng cũng sẽ tăng lên. Đó là những biện pháp tích cực và đồng thời phải làm kiên trì.

Vậy theo ông các nhà làm chính sách cần lưu ý điều gì?

- Phải ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát. Đây là mục tiêu số 1 cần phải quán triệt. Tránh việc điều hành chính sách như năm 2010, không đồng bộ, không thống nhất, giật cục.

Cụ thể, năm 2010, trong 3 tháng đầu năm, tình hình khó khăn, chúng ta thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng đến tháng 6 tình hình thị trường chuyển biến tích cực thì mình nới lỏng chính sách tiền tệ cho phát triển kinh tế. Sau đó, việc nới lỏng này đã để lại hậu quả xấu cho nên lại thắt chặt... Cho nên như tôi nói, việc điều hành không đồng bộ, không thống nhất là như thế.

Ông kỳ vọng điều gì ở thị trường tài chính tiền tệ trong năm tới?

- Hy vọng thị trường tiền tệ ổn định, phục vụ theo cung cầu của thị trường, đừng có giật cục, giữa nói và làm, giữa tuyên bố và thực hiện phải sát nhau.

Xin cảm ơn ông!

Cafeland.vn - Theo Nguyên Dương (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland