Tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến ở mức 18%, gấp 3 lần GDP. Các chuyên gia cho rằng điều này không quá rủi ro vì hệ số này tương tự các năm trước. Tuy nhiên, rủi ro nằm ở chỗ tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) vẫn tăng, cùng với đó tín dụng tiêu dùng tăng mạnh trong đó có đến 50% vốn vay đáp ứng nhu cầu sửa chữa, mua nhà để ở.
Vốn vào BĐS qua nhiều ngõ
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, trước yêu cầu kiểm soát lạm phát, bảo đảm giữ mặt bằng lãi suất cũng như xu hướng giảm lãi suất, bảo đảm thanh khoản của các NHTM, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ khoảng 17-18% vào cuối năm là hợp lý có thể đạt được.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý hiện nay là tín dụng chảy vào BĐS. Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS năm nay tăng thấp hơn nhiều so với năm trước, cụ thể tín dụng BĐS đến hết quý III đạt mức 426.181 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm ngoái tăng khoảng 20%. Xét theo từng phân khúc, nhu cầu vốn của thị trường cũng đã có sự phân hóa tăng giảm.
Các phân khúc ghi nhận tín dụng tăng trưởng gồm xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất tăng 2,88% so với năm 2015, đạt 13.908 tỷ đồng; xây dựng khu đô thị tăng gần 15%, đạt 80.767 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa mua nhà để ở kết hợp cho thuê tăng 9,27%, đạt 146.098 tỷ đồng; đầu tư kinh doanh BĐS khác đạt dư nợ 92.676 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm 2015.
Một số phân khúc khác trong xu hướng giảm tốc vay vốn so với năm trước như vay xây dựng văn phòng, cao ốc cho thuê 31.085 tỷ đồng, giảm 5,56% so với năm 2015; vay mua quyền sử dụng đất 26.038 tỷ đồng, giảm 4,15%; xây dựng, sửa chữa, xây nhà để bán, cho thuê cũng giảm khi vốn vay chỉ đạt 35.609 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 10 tháng năm 2016, tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS tăng chậm, thấp hơn so với cùng kỳ 2015, tăng 5,3% so với 14,5% của cùng kỳ. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng tăng 31,2% so với cuối năm 2015, chiếm 11,3% tổng tín dụng so với năm 2015 ở mức 9,7%; trong đó tập trung chủ yếu vào nhu cầu sửa chữa nhà, mua nhà để ở (chiếm khoảng 49,7%), mua đồ dùng trang thiết bị (23,1%) và phương tiện đi lại (9,4%).
Mới đây, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể đạt 18%, trong đó, tín dụng đầu tư kinh doanh BĐS tăng khoảng 12,5%, chiếm 8,4% tổng tín dụng. Tín dụng tiêu dùng tăng khoảng 39%, chiếm 11,4% tổng tín dụng. Ông Phước cũng cảnh báo có tới 50% tín dụng tiêu dùng là cho vay sửa chữa, mua nhà để ở.
Ảnh: LONG THANH
Cần kiểm soát chất lượng khoản vay
Theo Thông tư 06, từ năm 2017 nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 50% và năm 2018 giảm còn 40%; hệ số rủi ro kinh doanh BĐS nâng từ 150% lên 200%. Thực tế, từ đầu năm đến nay NHNN đã ban hành nhiều văn bản nhắc các NHTM kiểm soát tín dụng BĐS, với mục tiêu siết lại hoạt động cho vay BĐS của các NH.
Song lãnh đạo một số NHTM cho biết mảng tín dụng cho khách hàng cá nhân, cho vay mua nhà đất và ô tô đều phát triển tốt. Nhìn vào các chương trình khuyến mại gần đây của các NHTM dễ nhận thấy các gói ưu đãi cho vay mua nhà trực tiếp ít được triển khai, trừ những dự án NH hợp tác với chủ đầu tư.
Trong khi đó, các gói tín dụng ưu đãi cho vay tiêu dùng đang có xu hướng mở rộng ưu đãi các khoản vay từ 60 tháng trở lên, thậm chí có NH áp dụng cho vay đến 20 năm. Gói vay tiêu dùng của các NH được giới thiệu bao gồm cả vay mua ô tô, vay mua nhà dự án, vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhận quyền sử dụng đất ở, vay du học, vay các mục đích tiêu dùng khác…
Có NH còn thông báo khoản vay từ 60 tháng trở lên được ưu đãi lãi suất tối thiểu 8,62%/năm, với thời gian lên đến 24 tháng; các khoản vay từ 120 tháng trở lên áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm, thời gian tối đa lên đến 36 tháng. Những khoản vay dài hạn ưu đãi như vậy cũng là liều thuốc kích thích hấp dẫn với nhu cầu mua nhà dự án hay mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở, đất ở…
Theo một chuyên gia kinh tế, năm nay hệ số giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ GDP là 3 lần, tương tự những năm trước, nên không phải quá lo lắng về sự rủi ro. Năm 2017, chính sách vĩ mô và chính sách tiền tệ sẽ đi vào kỷ cương, các TCTD cũng sẽ tự điều chỉnh để hướng đến yêu cầu phát triển an toàn. Đối với lĩnh vực BĐS, dòng vốn tín dụng cũng đang dần được kiểm soát bởi các quy định của NHNN.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải xem lại các khoản vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Đặc điểm của tín dụng tiêu dùng là lãi suất cao hơn mặt bằng chung. Khoản vay mua nhà có giá trị không nhỏ nên lãi suất cũng là một gánh nặng. Vì vậy, người dân đã đổ xô vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Nay nhu cầu vốn này lại chuyển sang lĩnh vực vay tiêu dùng lãi suất cao có thể có rủi ro.
Đỗ Linh (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.