21/10/2011 12:53 AM
Theo ghi nhận của công ty quản lý, tư vấn bất động sản (BĐS) Savills Việt Nam, thị trường văn phòng, căn hộ dịch vụ và mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội cơ bản giữ ổn định so với quý II-2011, mặc dù khó khăn của nền kinh tế có tác động không nhỏ tới thị trường BĐS.
Nguồn cung ổn định

Tòa nhà Keangnam Landmark cuối năm sẽ đưa ra thị trường hàng trăm căn hộ dịch vụ.Ảnh: Đàm Duy



Nguồn cung văn phòng tăng 21%


Theo tổng hợp của Công ty TNHH Savills Việt Nam (đơn vị chuyên quản lý và tư vấn về BĐS), tổng nguồn cung văn phòng tại thị trường BĐS Hà Nội đạt hơn 868.000m2, tăng 9% so với quý II-2011 và 21% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III-2011, một tòa nhà văn phòng hạng C và bốn tòa nhà văn phòng hạng B gia nhập thị trường đã cung cấp thêm 70.000m2 diện tích văn phòng. Nhưng, bên cạnh đó một tòa nhà được đưa ra khỏi danh sách nguồn cung hiện tại do chủ tòa nhà đang cân nhắc lại chiến lược kinh doanh. Quận Hoàn Kiếm và Cầu Giấy là nơi chiếm 47% tổng nguồn cung chính của toàn thị trường. Về hoạt động của thị trường, Savills ghi nhận công suất thuê đạt 86% và giá thuê đạt 25,5 USD/m2/tháng, bằng với quý trước. Quận Hoàn Kiếm là nơi có hoạt động tốt nhất cả về giá cả lẫn công suất thuê. Tuy nhiên, nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn đến văn phòng để bán, gồm 9 tòa nhà nằm trên địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông và huyện Từ Liêm. Giá chào ở các hạng văn phòng để bán đều giảm nhẹ so với quý trước, dao động 1.000-2.150 USD/m2 cho thời hạn 32-49 năm. Trong khi về nhu cầu diện tích văn phòng cho thuê thêm xấp xỉ 36.600m2, tăng 59% so với quý trước và tiếp tục với xu hướng từ quý II-2011, diện tích cho thuê thêm của văn phòng hạng B chiếm 80% tổng diện tích cho thuê thêm toàn thị trường. Các chủ tòa nhà cũng đưa ra nhiều ưu đãi như miễn phí dịch vụ tư vấn thiết kế hay thời gian trả tiền thuê linh hoạt hơn. Dự kiến, trong 3 năm tới có khoảng 1,2 triệu mét vuông văn phòng gia nhập thị trường, song con số này rất có thể thay đổi do điều kiện kinh tế khó khăn cũng như tình hình thị trường nói chung trầm lắng.



Căn hộ dịch vụ: Công suất thuê ổn định



Với phân khúc căn hộ dịch vụ, công suất trung bình của toàn thị trường vẫn giữ nguyên mức 87%, trong khi giá thuê trung bình giảm 1,7% so với quý trước. Trong khi, về nguồn cầu, Việt Nam là thị trường hấp dẫn với các tập đoàn quốc tế để thực hiện mua bán, sáp nhập với các công ty trong nước, từ đó thu hút thêm các chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Chín tháng đầu năm 2011 đã có 63 cuộc mua bán, sáp nhập DN với tổng giá trị 2,67 tỷ USD, tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, thị trường có tổng cộng 2.459 căn hộ dịch vụ từ 43 tòa nhà. Trong quý III-2011, không có tòa nhà căn hộ dịch vụ mới nào gia nhập thị trường. Tòa nhà Keangnam Landmark hoãn chào thuê 378 căn hộ dịch vụ cho đến cuối quý IV-2011. Ba năm tới, thị trường căn hộ dịch vụ sẽ có khoảng 31 dự án, trong đó 12 dự án xác định được số lượng 2.600 căn hộ.



Trong khi đó, thị trường mặt bằng bán lẻ (trung tâm thương mại, siêu thị…) có công suất cho thuê trung bình đạt 93%, tăng 4%, nhưng giá thuê không đổi so với quý trước. Giữa trung tâm thành phố và khu vực ven đô có chênh lệch giá thuê lớn 15-200 USD/m2/tháng. Đặc biệt, hoạt động cho thuê mặt bằng bán lẻ dài hạn trở nên phổ biến, có các giao dịch quy mô lớn của các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế. Về nguồn cầu, thị trường chịu tác động bởi các chỉ số kinh tế. Chỉ số CPI có giảm, song vẫn ở mức cao hơn so với năm trước, tác động tiêu cực đến khả năng tiêu dùng của người dân. Doanh thu bán lẻ hàng hóa kỹ thuật giảm 7% theo quý và chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng điện tử giảm 3% theo năm. Nguồn cung hiện tại của thị trường là 463.000m2, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 2 dự án mới của Pico (quận Đống Đa) và Hàng Da Galleria (Hoàn Kiếm) cung cấp 12.000m2. Trong vòng 4 năm tới, thị trường có khoảng 1,6 triệu mét vuông mặt bằng bán lẻ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khó khăn về kinh tế, một số dự án đã trì hoãn tiến độ xây dựng.



Về phân khúc khách sạn, trong tương lai gần có 27 trong 41 dự án khách sạn 3-5 sao sẽ cung cấp cho thị trường hơn 6.600 phòng. Hầu hết các dự án này tập trung tại phía Tây Hà Nội. Huyện Từ Liêm chiếm 50% tổng số phòng, tiếp theo là quận Ba Đình và Đống Đa. Hầu hết các khách sạn có quy mô lớn trong tương lai tập trung ở khu vực ngoại thành, hướng đến đối tượng khách MICE (hội thảo) trong khi các khách sạn có quy mô nhỏ hơn tập trung ở khu vực trung tâm nhằm phục vụ khách du lịch.
Theo Khánh Khoa (Hà Nội Mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.