Nhà bình dân ngày một hiếm
Trong văn bản kiến nghị sớm xem xét giải quyết một số vướng mắc, ách tắc đối với các dự án nhà ở thương mại để khai thông thị trường bất động sản, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) tỏ ra lo ngại trước tình trạng sụt giảm quy mô thị trường bất động sản thành phố. Đó là sụt gảm về nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở, căn hộ thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm 2019, TP.HCM chỉ có ba dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố công nhận chủ đầu tư với diện tích chỉ có 2,23ha, quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án, tương ứng giảm 84% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại mới, giảm 46 dự án, tương ứng giảm 82% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong sáu tháng qua, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng cộng 7.313 căn, giảm hơn 29% về số dự án và 24% số căn hộ so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm gần 44%, căn hộ bình dân giảm gần 35%. Đặc biệt trong quý 2/2019 không có dự án nhà ở bình dân vừa túi tiền nào được đưa ra thị trường.
Đây không phải là diễn biến lạ trên thị trường địa ốc TP.HCM. Trước đó, CBRE Việt Nam cũng công bố báo cáo thị trường căn hộ TP HCM quý 2/2019 với tâm điểm là sự giảm sút nguồn cung do vấn đề chậm cấp phép từ năm ngoái. Lượng căn chào bán mới trong quý 2/2019 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm qua.
Đáng chú ý, thị trường trong quý 2/2019 cũng không có sản phẩm nhà ở mới thuộc phân khúc vừa túi tiền, bình dân được chào bán. Phân khúc căn hộ bình dân, còn được gọi là chung cư giá rẻ, hiện có giá bán trên thị trường sơ cấp dưới 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng)/m2.
Khách hàng mua căn hộ bình dân thường là những cặp vợ chồng trẻ, tích lũy chưa nhiều. Ảnh: Trần Phong
Giá bán tăng
Do thiếu hụt nguồn cung mới nên trên thị trường thứ cấp, giá căn hộ tầm trung và bình dân tăng mạnh. Khảo sát giá bán căn hộ trên thị trường cho thấy, căn hộ bình dân có giá tăng phổ biến từ 300-500 triệu đồng so với thời điểm mở bán khoảng hai năm về trước.
Cuối năm 2017, anh Tuấn hỏi mua một căn hộ 58m2, hai phòng ngủ tại một dự án chung cư đang xây dựng trên đường Tăng Nhơn Phú, quận 9. Giá chủ đầu tư đưa ra tại thời điểm đó chỉ gần 900 triệu đồng, căn có vị trí đẹp hơn chỉ tầm 1,2 tỉ đồng. Thế nhưng, do không gom đủ tiền nên anh Tuấn chần chừ không mua mà tiếp tục ở trọ.
Đến nay, quay lại hỏi giá lúc dự án đã bàn giao nhà, anh Tuấn choáng váng khi biết giá căn hộ cùng diện tích đã lên đến hơn 1,7 tỉ đồng. Giá tăng cao nhưng chỉ mua được qua sàn, nguồn hàng chủ yếu do các nhà đầu tư gửi bán lại còn chủ đầu tư đã sạch hàng từ lâu.
Cần chỗ ở, lại ưng dự án này ngay từ ngày đầu đến tham quan vì gần chỗ làm của cả hai vợ chồng, anh Tuấn đành bấm bụng mua chênh lệch hơn 500 triệu đồng.
Nhờ không chần chừ như anh Tuấn mà chị Diệu (ngụ quận 9) đã nhanh chân thu xếp cho gia đình một nơi ở với giá mua cách đây hai năm chưa đến 1 tỉ đồng. Đến nay, các căn hộ cùng diện tích đã tăng từ 1,3-1,6 tỉ đồng tùy vị trí, nhưng không dễ kiếm được căn phù hợp vì cư dân đã vào sinh sống ổn định, số căn hộ diện tích nhỏ, giá vừa phải cần chuyển nhượng lại không nhiều.
Hay anh Nghĩa, một giáo viên dạy thể dục cũng đút túi hàng trăm triệu đồng khi bán lại tại dự án căn hộ được vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng ở quận 12 mà anh mua từ hơn hai năm trước.
Thời điểm đó, căn hộ 53m2, một phòng ngủ anh Nghĩa mua chỉ gần 800 triệu đồng. Sau khi nhận nhà anh tự làm nội thất, anh Nghĩa rao bán lại với giá 1,2 tỉ đồng. Đăng tin rao bán chưa đầy một tháng, căn hộ đã có khách mua. Sau khi trừ đi chi phí làm nội thất và tiền lãi ngân hàng, anh Nghĩa đút túi hàng trăm triệu đồng tiền lãi.
“Khách hàng mua căn hộ loại này thường là những cặp vợ chồng trẻ, tích lũy chưa nhiều, họ mua để ở chứ không phải để đầu tư”, anh Nghĩa nói. Điều này phản ánh nhu cầu tìm mua nhà tầm 1,5 tỉ đồng của người dân vẫn rất lớn, nên nhiều người mua từ đầu sẽ giữ hàng đến khi dự án hoàn thiện để có được giá chênh tốt.
Theo Savills Việt Nam, với nguồn cung sơ cấp hạn hẹp, giá căn hộ tại trị trường thứ cấp đang trở nên sôi động. Giới chuyên gia dự báo việc khan hiếm nguồn cung mới khiến áp lực cạnh tranh ở thị trường thứ cấp tăng, giá bán vì vậy cũng sẽ tăng theo trong thời gian tới.
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
-
Cầu cửa ngõ phía Tây TP.HCM chính thức thông xe
Ngày 21/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) tổ chức lễ thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM). Đây là cây cầu quan trọng, kết nối giao thông ở QL1A vào trung tâm TP....
-
Hôm nay (21/1), tuyến metro hơn 43.700 tỷ đồng sẽ chính thức thu phí
Sau 1 tháng chạy thử nghiệm và miễn phí, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức thu phí từ ngày 21/1. Việc thu phí được kỳ vọng sẽ giúp tuyến metro duy trì hoạt động bền vững và đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, bảo trì....