03/03/2023 10:15 AM
Các mặt hàng sắt thép, cát xây dựng... tăng giá phi mã từ đầu năm đến nay đã khiến nhiều người có kế hoạch xây dựng nhà cửa phải đắn đo, suy đi tính lại.

Giá tăng phi mã

Chỉ trong vòng hai tháng qua, các công ty thép đã gửi thông báo tăng giá sắt thép 5 lần, cùng với đó là dự báo nhiều loại vật liệu xây dựng khác cũng tăng theo.

Sắt thép, cát xây dựng... tăng giá phi mã từ đầu năm đến nay đã khiến nhiều người có kế hoạch xây dựng nhà cửa cũng phải đắn đo, suy đi tính lại

Mới đây, thương hiệu thép Pomina đã thông báo tăng giá hơn 1 triệu đồng/tấn tại khu vực miền Trung từ ngày 27.2. Theo đó, thép xây dựng loại phi 10 tăng lên mức 17,6 triệu đồng/tấn. Còn tại khu vực miền Nam, thương hiệu này cũng tăng 810.000 đồng/tấn, lên 17,29-17,39 triệu đồng/tấn, tùy loại.

Trước đó, một loạt nhiều công ty thép như Hòa Phát, Việt Đức, Việt Ý, Việt Sing… thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng thép tại thị trường nội địa thêm 150.000-210.000 đồng/tấn, đưa giá thép nội địa chạm ngưỡng 16 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, Hòa Phát thông báo tăng giá thêm 200.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 ở khu vực miền Bắc và miền Trung. Sau điều chỉnh giá thép ở hai miền lần lượt ở mức 15,96 triệu đồng/tấn và 15,88 triệu đồng/tấn. Còn tại miền Nam, Hòa Phát cũng điều chỉnh tăng 150.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 lên 15,98 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu Thép Việt Ý cũng nâng 200.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 lên 15,91 triệu đồng/tấn. Với cùng mức tăng trên, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu Việt Sing đang ở mức 15,83 triệu đồng/tấn. Đối với thép Việt Đức, dòng thép cuộn CB240 hiện có giá 15,71 triệu đồng/tấn sau khi doanh nghiệp này điều chỉnh tăng 210.000 đồng/tấn.

Theo đó, mức giá trên được xuất bán tại các nhà máy, còn giá bán lẻ tại cửa hàng sẽ được đội thêm vài triệu đồng/tấn, chủ yếu là phí vận chuyển từ nhà máy đến nơi tiêu thụ.

Lý giải về việc giá thép liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết nguyên nhân do hầu hết các chi phí đầu vào đều tăng, trong đó giá nguyên liệu tăng khoảng 20%. Chưa kể giá điện sắp tới cũng có khả năng tăng sẽ làm cho chi phí sản xuất thép tăng theo.

Cát xây dựng khan hiếm, giá tăng vọt đã ảnh hưởng lớn đến các công trình xây dựng

Ngoài sắt thép tăng giá mạnh, các loại vật liệu xây dựng khác như cát, đá xây dựng cũng tăng đáng kể. Chẳng hạn, cát xây dựng trong những tháng đầu năm được tăng thêm vài chục ngàn đồng/m3, lên 350.000-450.000 đồng/m3, tùy loại. Giá cát tăng cũng dẫn đến giá vật liệu liên quan đến cát như bê tông tươi, ống bi, cọc… tăng theo.

Tương tự, gạch xây dựng tăng 100 đồng/viên lên 1.400-1.600 đồng/viên. Giá đá xây dựng cũng dự báo tiếp tục tăng giá trong thời gian tới do nhu cầu triển khai công trình tăng cao... Người dân lẫn doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng bày tỏ mỗi lần thấy giá vật liệu xây dựng tăng đều sợ "toát mồ hôi" vì những tác động khó lường. Bão giá thực sự là cơn ác mộng với ngành xây dựng.

“Méo mặt” vì xây nhà

Sau Tết Nguyên đán, trên các trang mạng xã hội về thiết kế và xây dựng, mỗi ngày có hàng trăm bài viết được cập nhật và phải đến hơn 50% số bài đăng nhằm mục đích tham khảo, cập nhật, ca thán về giá xây dựng thời điểm này.

Kế hoạch xây nhà của nhiều gia đình phải tạm ngưng vì giá vật liệu xây dựng tăng cao quá hiện nay

Đơn cử, anh Nam (TP.HCM) lên kế hoạch cất nhà từ giữa năm 2022 nhưng do chưa đủ tiền mua vật liệu xây dựng nên đợi sau Tết Nguyên đán mới mua để giữa tháng 3 này khởi công xây nhà. Chỉ vài tháng phân vân và đợi gom góp đủ tiền, giờ đây kinh phí xây nhà của anh Nam tăng thêm hơn cả trăm triệu đồng so với giá vật liệu đã tham khảo vào giữa năm 2022.

“Kế hoạch xây nhà của gia đình phải tạm ngưng vì giá vật liệu xây dựng tăng cao quá”, anh Nam cho biết.

Tương tự, anh Dũng (Gò Vấp, TP.HCM) đang xây dở căn nhà diện tích 150m2 than “méo mặt” vì giá vật liệu tăng cao đột biến.

Anh Dũng cho biết cuối năm ngoái, anh hỏi giá xây dựng trọn gói 4,5 triệu đồng/m2, căn nhà rộng 150m2 hết khoảng 700 triệu đồng. Đến đầu năm nay, giá đã tăng lên 6 triệu đồng/m2, tính sát nhất cũng lên tới gần 1 tỷ đồng. Muốn làm nhà bây giờ thì bắt buộc phải vay ngân hàng, nhưng với lãi suất cao hiện nay nên gia đình anh Dũng vẫn đang tính toán, chưa quyết định.

Việc tăng giá vật liệu xây dựng trong suốt thời gian qua đã trở thành “ác mộng” đối với người dân, các nhà thầu. Thông thường, trong xây dựng nhà ở, vật tư phần thô chiếm 30% tổng chi phí, nhân công chiếm 30% giá trị công trình và 40% còn lại là vật tư hoàn thiện. Chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã làm cho chi phí xây dựng tăng từ gần 1,5 lần.

Với việc tăng giá vật liệu, cùng với giá các hàng hóa thiết yếu cũng leo thang, trong khi mức lương tăng chậm và không đáng kể thì ước mơ có được một căn nhà của nhiều người dân càng khó được thực hiện.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.