Xuất khẩu tại chỗ
Tới thời điểm hiện nay, hai khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS vẫn là hàng tồn kho và nợ xấu. Dù đã có nhiều biện pháp để tháo gỡ những khó khăn này nhưng tính thanh khoản của thị trường vẫn chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt là phân khúc cao cấp tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM. Theo thống kê của các Cty nghiên cứu thị trường, cần 5 - 7 năm nữa thị trường mới có thể hấp thụ được hết số căn hộ tồn này, chưa kể đến lượng cung phát sinh mới hình thành trong thời gian tới. Các chuyên gia BĐS nhận định, vấn đề mấu chốt hiện nay của thị trường địa ốc chính là tổng cầu và đầu ra cho các sản phẩm BĐS. Theo ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT Cty ThuducHouse, tại sao có tình trạng tồn kho BĐS mà vẫn chưa bán được là do nhiều nguyên nhân: Giá cao, quản lý, tổng cầu thấp.... Tuy nhiên, cần xem xét tổng quan vấn đề để làm sao tăng được tổng cầu. Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định: Một trong những giải pháp tiếp thêm nguồn vốn cho thị trường BĐS chính là yếu tố người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam. Theo Nghị quyết 19 và Nghị định 51/CP, người nước ngoài muốn mua, sở hữu nhà tại Việt Nam trong 50 năm tối đa cần đáp ứng yêu cầu: Có thẻ thường trú, thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao lãnh sự. Thực tế cho thấy, các quy định này đã hạn chế số người nước ngoài đủ điều kiện mua căn hộ và đòi hỏi nới rộng điều kiện là có thực. Qua 4 năm, mới chỉ có chưa tới 70 người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Ngoài việc tạo tính thanh khoản nhằm giảm lượng hàng tồn kho địa ốc, việc nới rộng thị trường tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ giúp thu về một lượng ngoại tệ lớn thông qua việc xuất khẩu tại chỗ.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chẳng khác nào ta xuất khẩu căn hộ sang nước ngoài. Điều này giúp tăng cầu cho nền kinh tế, và đặc biệt là kích thích tiêu thụ hàng tồn kho trong phân khúc căn hộ hạng sang, cao cấp. Về phần mình, bà Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định: Đây là giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS trong việc bán được hàng tồn kho. Ai cũng biết tỷ lệ căn hộ tồn kho đang ở mức rất cao. Mở rộng quy định về việc cho người nước ngoài được mua căn hộ là giải pháp trực tiếp cho vấn đề tồn kho này.
Chỉ bán căn hộ giá cao
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về việc đầu cơ của các chủ đầu tư nước ngoài hoặc việc tạo ra sức ép cho người mua nhà trong nước khi tiềm lực kinh tế nước ngoài là lớn hơn hẳn khách hàng trong nước. Trước quan điểm này, Hiệp hội BĐS TP.HCM đề xuất một loạt giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý trong trường hợp viễn cảnh đó xảy ra. Theo đó, cần những quy định ràng buộc thêm để phân khúc, các mảng thị trường mà người mua nhà nước ngoài có thể tiếp cận. Cụ thể, cần phổ biến thật rộng chủ trương mở rộng điều kiện tới tất cả đối tượng trên toàn thị trường, kèm theo đó có những hướng dẫn chi tiết về điều kiện, hồ sơ thủ tục mua, đồng thời giải quyết thật nhanh những trường hợp cần mua đáp ứng quy định. Đặc biệt trong vấn đề thanh toán tiền, bởi có những người không thể thanh toán bằng tiền tại Việt Nam buộc phải chuyển khoản về. Đồng thời, hãy khiến cho người nước ngoài tin tưởng vào chính sách của Nhà nước trong vấn đề này không thay đổi, quyền sở hữu của họ được bảo vệ đúng đắn, đầy đủ. Ở góc độ chi tiết hơn, ông Lê Hoàng Châu đề nghị: Chỉ được mua loại căn hộ cao cấp với mức giá không thấp hơn 30 triệu đ/m2 - tương đương 1.500 USD/m2. Như vậy sẽ không tạo sự cạnh tranh với đông đảo người tiêu dùng trong nước (người thu nhập thấp). Thứ hai, Nhà nước nên chỉ cho phép mua căn hộ tại những dự án ở khu vực mà đã có quy hoạch dành cho người nước ngoài mua nhà - tạo an ninh và an toàn. Bà Hòa bổ sung: Chúng ta nên có chính sách mang tính động viên DN mua nhà cho người nước ngoài cư ngụ về thuế, khấu hao... Cơ chế tài chính, hành lang pháp lý về điều này hãy cần cụ thể, tỉ mỉ hơn để khuyến khích DN tham gia. LS Trần Quang Huy đóng góp ý kiến: Đến nay vẫn chưa có các điều kiện cụ thể đối với người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Cần xem xét việc mở rộng đối tượng với những người có nhu cầu thực sự, thậm chí ngay cả những đối tượng trong nước là DN có dự án BĐS bán cho người nước ngoài. Ở địa bàn nào mở được thì nên mở.
Có thể thấy việc sửa đổi theo hướng mở hơn điều kiện cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà là rất cần thiết. Bởi điều đó không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế, mà còn tạo đà thúc đẩy kinh tế BĐS Việt Nam. Với khoảng 81 nghìn người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam cùng hàng trăm nghìn Việt kiều và người nước ngoài khác đang quan tâm tới thị trường địa ốc Việt Nam thì đây sẽ là nguồn lực không nhỏ giúp thị trường BĐS phá băng nhanh chóng hơn.
Việc tháo gỡ rào cản thủ tục cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam không chỉ giải quyết câu chuyện hàng tồn kho hiện nay, mà còn là đảm bảo cho sự phát triển của thị trường BĐS trong tương lai; cũng như giúp cho chủ trương đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư thành hiện thực. Nếu tạm tính số hàng tồn kho hiện nay khoảng 80 nghìn căn hộ và 20 nghìn sản phẩm khác gồm: Sản phẩm BĐS du lịch, các dự án biệt thự; đất nền, thì thị trường còn tới 100 nghìn sản phẩm tồn. Tính bình quân giá trị mỗi căn là 4 tỷ đồng, thì thị trường BĐS đang "ngâm" khoảng 400 nghìn tỷ đồng - một số tiền thật sự rất lớn để khai thông bế tắc, tái đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Ông Huỳnh Anh Dũng - giảng viên cao cấp Hội đồng chuyên gia BĐS Hoa Kỳ (CRS). |