Cùng đại hạ giá, song đối lập với cảnh đổ xô đi mua căn hộ An Tiến (Nhà Bè, TP HCM), dự án Petro Vietnam Landmark (quận 2) của Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) lại rơi vào cảnh ế ẩm. Trái với kỳ vọng của chủ đầu tư, buổi bốc thăm đấu giá hôm 8/11 bất thành vì chỉ có hai khách hàng đến dự. Trong khi đó, chỉ trong ngày mở bán đầu tiên, dự án An Tiến đã bán sỉ và lẻ được 150 trên tổng số 500 căn hộ. Không chỉ có khách hàng mua lẻ, dự án này còn hút nhiều người mua sỉ theo sàn.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện chủ đầu tư dự án PV Landmark cho hay ông tự hào vì đây là cách bán hàng tiên phong trên thị trường bất động sản Việt Nam. Vị này cho rằng, từ cuối năm 2009 đến nay, tại Hà Nội chưa doanh nghiệp nào giảm giá căn hộ đến 35%, và tổ chức dưới hình thức bốc thăm đấu giá.
"Tôi không muốn bình luận nhiều về hiệu quả của chiến lược bán hàng. Song tôi cho rằng, đây là cách làm hay, phổ biến ở nước ngoài, còn ở VN mới chỉ xuất hiện lần đầu tiên", đại diện PVL nói.
PV Landmark giảm giá 35% nhưng chỉ có 2 người tham gia bốc thăm quyền mua. Ảnh: Hoàng Lan
Trong khi đó, theo Công ty Sài Gòn Mekong, đơn vị bán và giảm giá 20% cho 500 căn hộ An Tiến nhận định: "Lượng căn hộ bán được trong ngày đầu tiên cho thấy khách hàng đã chấp nhận và sẵn sàng tiếp cận sản phẩm. Tôi kỳ vọng trong những ngày tiếp theo phản ứng của thị trường với dự án sẽ tốt hơn".
Đại diện Công ty Sài Gòn Mekong cho rằng, mức giá 14,4 triệu đồng mỗi m2 của dự án kèm theo ưu đãi vay vốn trong điều kiện hiện nay đã hỗ trợ tích cực cho nhóm khách hàng thu nhập khá, có nhu cầu thật sự về nhà ở tiếp cận sản phẩm.
Lý giải về diễn biến trái chiều của dự án An Tiến và căn hộ PV Landmark, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Á Châu, Phạm Văn Hải cho biết: "Thị trường đang chuyển hướng đặt người mua là trung tâm. Dự án giảm giá tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận sẽ bán chạy. Ngược lại, dự án bán tháo nhưng đặt ra nhiều điều kiện khắt khe sẽ bị hoài nghi".
Theo ông Hải, xét về mức độ giảm giá, dự án PV Landmark hấp dẫn vì giảm đến 35% với tỷ lệ cao hơn An Tiến chỉ giảm 20%. Tuy nhiên, xét về mức độ hỗ trợ người mua thì dự án An Tiến lại chiếm thế thượng phong.
Cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường, Đặng Hùng Võ cho rằng, nguyên nhân thất bại của chủ đầu tư chủ yếu do giá cả và phương thức bán hàng chưa hợp lý. Ông Võ phân tích, trong bối cảnh thị trường khó khăn, chủ đầu tư hạ giá căn hộ sẽ thu hút sự quan tâm của khách hàng, giúp họ tiếp cận sản phẩm dễ hơn. Tuy nhiên, hạ giá bán sau đó lại tổ chức đấu giá thì quyền lợi của khách hàng khó đảm bảo. Vì động thái "đấu giá" sẽ giúp chủ đầu tư "mượn tay khách hàng" để nâng giá bán lên.
Dự án An Tiến (Nhà Bè) giảm giá 20%, ưu đãi vay không chứng minh thu nhập hút khách tại TP HCM. Ảnh: Vũ Lê
"Chỉ trong bối cảnh thị trường cung thiếu, cầu thừa mới có thể tổ chức bốc thăm, đấu giá. Tại TP HCM, cung cầu đã tương đối cân bằng nên tung hình thức đấu giá sẽ rất khó thành công", ông Võ nói.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc CenGroup, Phạm Thanh Hưng nhận định, trong thời điểm thị trường đang thực sự khó khăn, PVL giảm giá căn hộ và tăng tỷ lệ đóng tiền sẽ tránh hai rủi ro về tín dụng và thị trường. Cách bán hàng này đã gây được sự thu hút của dư luận, làm nóng thị trường về mặt thông tin.
Song chuyên gia này phân tích: "Việc giảm giá kèm theo điều kiện đóng 100% tiền trong 3 ngày, tiền đặt cọc lên đến 500 triệu và có thể mất tiền đặt cọc sẽ khiến khách hàng không muốn mạo hiểm". Thậm chí, ông Hưng lo ngại các điều kiện khắt khe về tiền đặt cọc và tiến độ thanh toán của PVL sẽ khiến khách hàng hoài nghi kèm tâm lý tiếp tục chờ đợi thị trường giảm giá.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận xét: "Không nên quá xét nét kiểu bán hàng của các dự án căn hộ đang đại hạ giá trên thị trường. Tùy vào khả năng tài chính và thương hiệu của mỗi doanh nghiệp mà việc tháo vốn bất động sản diễn ra theo nhiều cách khác nhau".
Theo ông Nghĩa, cách bán tháo thể hiện vị thế, tầm nhìn và quan điểm riêng của doanh nghiệp đối với từng thị phần địa ốc. Đơn vị có vốn mạnh cần cắt lỗ sẽ giảm một tỷ lệ khác với doanh nghiệp có vốn ít muốn rút khỏi sân chơi bất động sản. Ngoài ra, những đơn vị bán hàng phi lợi nhuận cũng có nhiều hình thức giảm giá khuyến mãi khác nhau để luân chuyển vốn sang kênh đầu tư mới.
"Dù thị trường bất động sản khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải công khai hoặc ngấm ngầm bán tháo nhưng tôi tin rằng mức giảm giá có ngưỡng giới hạn. Nếu chạm đến ngưỡng này địa ốc không thể giảm thêm", ông nói.