Chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 7/3, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 46,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,2 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 46,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,27 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 47,15 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 46,48 – 47,48 triệu đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng đã có sự tăng giảm không đều. Đầu tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 46,6 triệu đồng/lượng (bán ra) và 45,10 triệu đồng/lượng (mua vào).
Ngày 3/3, giá vàng miếng trong nước giảm 50 ngàn đồng chiều mua vào và giảm 100 ngàn đồng chiều bán. Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 45,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,20 triệu đồng/lượng (bán ra).
Ngày 4/3, giá vàng miếng trong nước tăng 800 ngàn đồng chiều mua vào và giảm 900 ngàn đồng chiều bán ra. Theo đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 46,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,40 triệu đồng/lượng (bán ra).
Biểu đồ giá vàng tuần qua
Giá vàng miếng trong nước tăng 550 ngàn đồng chiều mua vào và tăng 400 ngàn đồng chiều bán ra vào phiên ngày hôm sau đó, ở mức 46,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,40 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,9% lên 1.666,16 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 1,5% và khép phiên ở mức 1.668 USD/ounce.
David Meger, chuyên gia của công ty High Ridge Futures, cho rằng rõ ràng khi các thị trường chứng khoán đang chịu áp lực và có nhiều lo ngại về dịch COVID-19, tiền trên thị trường đang chảy từ các loại tài sản rủi ro sang các tài sản an toàn như vàng.
Khi các thị trường chứng khoán đang chịu áp lực và có nhiều lo ngại về dịch COVID-19, tiền trên thị trường đang chảy từ các loại tài sản rủi ro sang các tài sản an toàn như vàng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho biết sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu đã phủ bóng lên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm nay, trong khi một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết có dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh đã bắt đầu tác động đến tâm lý kinh doanh ở Mỹ.
Vàng tăng mạnh được cho một phần là vì nhiều ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Fed đã phản ứng quá chậm trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hôm 3/3, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm phần trăm xuống 1,0-1,25%. Đây là mức giảm lãi suất lớn nhất của Fed kể từ năm 2008.
Theo Fed, dịch Covid-19 đặt ra các nguy cơ ngày càng lớn đối với hoạt động kinh tế Mỹ. Việc Fed cắt giảm lãi suất bất ngờ và mạnh là tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng.
Vàng tăng còn do nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa hạ 50 điểm phần trăm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống còn 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
OECD cũng cảnh báo dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay. Tổ chức này dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ chỉ còn tăng 4,9% trong năm 2020, giảm 80 điểm phần trăm so với dự báo ban đầu mà OECB công bố hồi tháng 11/2019.
Theo giới phân tích, vàng vẫn sẽ tiếp tục là công cụ phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương có thể nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế trong thời dịch bệnh.