Với việc giá điện tăng thêm 4,5% từ ngày 9/11, Chứng khoán Mirae Asset ước tính lợi nhuận nhóm doanh nghiệp xi măng giảm 21%, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép có thể giảm đến 23% lợi nhuận.

Áp lực tăng chi phí sản xuất

Việc giá điện tăng 4,5% được dự báo sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiền điện phải trả thêm của người dân. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng giá điện từ mức 1.920,3 đồng lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), áp dụng từ ngày 9/11.

Theo tính toán của EVN, với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tác động của việc điều chỉnh giá điện tùy thuộc vào việc sử dụng và tỷ lệ sử dụng điện ở từng thời điểm cao điểm và thấp điểm.

Giá điện tăng 2 lần trong năm 2023 với tổng mức tăng 7,5%

Cụ thể, ngành dịch vụ tiền điện mỗi tháng tăng thêm khoảng 230.000 đồng/tháng; khách hàng hành chính sự nghiệp trả thêm 90.000 đồng/tháng; khách hàng sản xuất trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong các ngành tiêu tốn nhiều điện năng như cơ khí, sắt thép… sắp tới sẽ đau đầu hơn trong tính toán, cân đong đo đếm các khoản chi phí.

Mặc dù việc điều chỉnh giá điện có thể được tính vào giá thành sản phẩm nhưng nhiều doanh nghiệp lo ngại việc tăng giá trong bối cảnh sức mua giảm sút sẽ khiến tiêu thụ đã khó lại càng thêm khó, đẩy hàng tồn kho lên cao, tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh trong cả năm 2023.

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Mirae Asset đã có những phân tích tác động của việc tăng giá điện tới ngành điện và các ngành nghề liên quan.

Theo thống kê của đơn vị này, trong 10 năm (2009-2019), giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh tăng, mức tăng trung bình giai đoạn này là 10%/năm.

Hiện nay, điện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI. Như vậy, việc giá điện tăng 4,5% sẽ làm CPI tăng 0,25% và GDP có thể giảm khoảng 0,2%. Nếu xét mức tăng từ đầu năm, tương ứng giá điện đã tăng 7,6% thì GDP có thể giảm khoảng 0,34% và CPI tăng 0,43%.

Mirae Asset cho rằng, những tác động của việc tăng giá bán lẻ điện bình quân đến ngành điện là chưa thật sự rõ nét. Tuy nhiên với các doanh nghiệp cần sử dụng nhiều điện năng như xi măng, thép… việc tăng giá này có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận.

Giá điện tăng có thể khiến ngành thép mất 23% lợi nhuận

Cụ thể với ngành thép, chi phí điện thường chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán. Mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất. Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn.

Với mức tăng giá điện 4,5%, ước tính giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,5% và giá thành xi măng tăng khoảng 0,6%. Mirae Asset ước tính lợi nhuận nhóm doanh nghiệp xi măng giảm 21%, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép có thể giảm đến 23% lợi nhuận do sự điều chỉnh giá điện thúc đẩy giá vốn tăng cao.

“Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào”, Mirae Asset nhấn mạnh.

Doanh nghiệp xoay sở để thích ứng

Theo ban lãnh đạo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), tăng giá điện khi thị trường thép đang suy yếu đã trở thành một bài toán thực sự đau đầu của ngành này.

Do thị trường suy giảm về nhu cầu, giá bán biến động với xu hướng giảm chủ đạo nên các doanh nghiệp ngành thép đã và đang phải chịu rất nhiều áp lực về hiệu quả, thị phần, quy mô sản xuất.

“Những thay đổi theo chiều hướng đi xuống này tính đến cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Như vậy, việc tăng giá điện lần này sẽ lại tiếp tục gia tăng nỗi lo cho VNSteel và các doanh nghiệp khác trong ngành,” lãnh đạo VNSteel thông tin.

Chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán của ngành thép

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 đạt 7,7 triệu tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ.

VSA nhận định nhu cầu sử dụng thép nội địa và xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn ở mức thấp. Các nhà máy trong nước đối mặt với nhiều khó khăn vì giá bán thấp trong khi chi phí tăng lên.

Với ngành thép, 2 tháng cuối năm vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh khi các mặt hàng nguyên liệu tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, giá điện tăng...

Trước thực tế hiện nay, doanh nghiệp thép như VNSteel đã chỉ đạo các doanh nghiệp trong hệ thống tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào nhằm giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện.

Đồng thời, áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả như sản xuất trong giờ thấp điểm, tăng cường phun than và thổi oxy trong quá trình luyện thép để giảm tiêu hao năng lượng tổng thể, tận dụng nhiệt dư trong quá trình luyện thép để tái sử dụng và nhiều biện pháp khác.

  • Doanh nghiệp nào “sáng” nhất khi giá điện tăng?

    Doanh nghiệp nào “sáng” nhất khi giá điện tăng?

    Đợt tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN có thêm khoảng 26.000 tỷ doanh thu cho năm 2024. Công ty chứng khoán MB cho rằng các doanh nghiệp phát điện có khoản phải thu từ EVN và nhóm xây lắp hạ tầng điện sẽ được hưởng lợi từ động thái này.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.