Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu về dự án xây tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai kết nối với Trung Quốc đi qua 9 tỉnh thành, dài 441km.

Nghiên cứu tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai kết nối với Trung Quốc (ảnh minh họa)

Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đang lấy ý kiến báo cáo đầu kỳ quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do một liên danh tư vấn trong nước lập.

Tuyến đường sắt đi qua 9 tỉnh thành kết nối với Trung Quốc

Tuyến đường sắt có điểm đầu kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) tại Lào Cai, đi theo hướng đông qua các tỉnh, thành Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và kết thúc tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh).

Tổng chiều dài dự kiến 441km, tuyến đường sắt sẽ quy hoạch 41 ga, trong đó có 5 ga trung tâm để lập tàu, 10 ga trung gian kết hợp phục vụ khách và hàng, 5 ga cảng biển và 22 ga phụ tránh tàu. Các công trình dọc tuyến đường sắt bao gồm: 56 cầu lớn và 11 hầm xuyên núi. Thiết kế đường sắt mới khổ ray 1.435 mm, điện khí hoá, vận tốc thiết kế chạy tàu 160 km/h.

Theo tư vấn, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bao gồm toàn bộ tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hiện hữu, một phần tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Cái Lân của dự án đang xây dựng dở dang.

Hướng tuyến đường sắt đi qua Hải Phòng, có nhánh đường sắt đến cảng Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn. Ảnh: Tedi

Về phương án chạy tàu, tàu khách và tàu hàng sẽ kết nối với đường sắt Trung Quốc tại ga Lào Cai, sau đó qua Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (tàu khách kết thúc tại ga Hạ Long, tàu hàng kết thúc tại ga Cái Lân). Để kết nối với các cảng biển khu vực Hải Phòng, tàu sẽ từ ga Nam Hải Phòng đi đường nhánh tới cảng Đình Vũ, Lạch Huyện, Đồ Sơn.

Sau khi tư vấn hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, bản quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải và các cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo tư vấn lập quy hoạch, đường sắt quốc gia trục Đông - Tây hiện nay có hai tuyến chính là Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai có khổ hẹp 1000 mm, với tiêu chuẩn kỹ thuật và năng lực vận tải thấp, không thể thỏa mãn khi nhu cầu vẫn tăng cao trong tương lai.

Trong khi đó, trục đường sắt Đông - Tây nối với cảng biển phía đông tại Hải Phòng lên vùng Tây Bắc hiện chiếm gần 50% khối lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa của hệ thống đường sắt quốc gia.

Đề xuất 100.000 tỉ đồng xây 392km đường sắt

Trước đó, năm 2018 Viện khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn) từng nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) nối tuyến Côn Minh - Thành Đô - Lan Châu - Horgos (đi châu Âu).

Tuyến đường sắt đi qua 8 tỉnh thành Việt Nam có chiều dài khoảng 392 km kết hợp tàu khách và hàng, tốc độ chạy tàu 160km/h, với 15 đôi tàu/ngày. Đơn vị tư vấn Trung Quốc đề xuất mức đầu khoảng 100 ngàn tỉ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) được hỗ trợ từ nguồn ODA.

Đơn vị tư vấn Trung Quốc đề xuất kinh phí 100.000 tỉ đồng để xây tuyến đường sắt kết nối Quảng Ninh tới đường sắt Hà Khẩu (ảnh minh họa)

Bộ Giao thông Vận tải cho biết tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (kết nối Trung Quốc và cảng Hải Phòng) đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết. Dự kiến, tuyến đường sắt này chiều dài khoảng 380 km, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỉ USD (tương đương 240 - 260 ngàn tỉ đồng). Do mức đầu tư khá lớn, dự án nằm trong danh mục huy động vốn đầu tư nước ngoài.

Bắc Cơ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.