Tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối 5 đô thị quan trọng trên địa bàn. Dự án có tổng vốn đầu tư 50.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2027 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2030.

Hướng tuyến dự kiến của tuyến đường sắt

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương này đang lựa chọn đơn vị tư vấn, nghiên cứu tiền khả thi thực hiện dự án đường sắt kết nối 5 đô thị trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tuyến đường sắt có tổng chiều dài 52,2km sẽ bắt đầu tư ga Bàu Bàng và kết thúc ở ga An Bình. Dự án sẽ đi qua địa bàn 5 huyện, thành phố và thị xã gồm: Bàu Bàng, Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An và Dĩ An.

Sẽ có 6 nhà ga nằm dọc tuyến đường sắt này gồm: An Bình, Bình Chuẩn, Bình Dương, Chánh Lưu, Tân Hưng, Bàu Bàng. Ngoài ra dự án còn 4 trạm khách: Tân Bình, An Phú, Tân Vĩnh Hiệp, Hòa Lợi.

Theo tính toán, để thực hiện tuyến đường sắt này dự cần số vốn lên đến 50.000 tỉ đồng. Trong đó, 12.000 là kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, sử dụng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc đối tác công - tư (PPP).

Dự kiến dự án sẽ được khởi công xây dựng năm 2027 và hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2030.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt đóng vai trò quan trọng kết nối giao thông giữa các đô thị kinh tế năng động của tỉnh Bình Dương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương này.

Dồn lực cho hạ tầng giao thông

Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để đạt được những thành tựu kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ được Bình Dương đặc biệt chú trọng đầu tư.

Bên cạnh các dự án hạ tầng kết nối nội tỉnh, Bình Dương đã và đang tham gia vào nhiều dự án giao thông kết nối liên vùng trọng điểm khác.

Ngoài tuyến đường sắt kết nối nội tỉnh trên, hiện nay Bình Dương cũng đang nghiên cứu đầu tư hai tuyến đường sắt quan trọng khác kết nối với TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cụ thể, tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ mới đây, các bên đã đề xuất kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên về hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Theo đó, nhánh hướng về Bình Dương dài khoảng 29,55km, đi trên cao từ ga Bình Thắng đến gần nút giao Bình Chuẩn và đi về Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương (thị xã Bến Cát, Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một).

Một dự án đường sắt khác cũng đang được tỉnh Bình Dương nghiên cứu triển khai là tuyến đường sắt kết nối từ Dĩ An - Biên Hòa - Vũng Tàu với chiều dài khoảng 125,25km, tổng vốn đầu tư 34.000 tỉ đồng.

Dự án bắt đầu từ ga Bàu Bàng và kết thúc ở cảng Cái Mép – Thị Vải. Trong đó, đoạn từ huyện Bàu Bàng đến Dĩ An dài 41,65km, đoạn từ Dĩ An đến nút giao Phước Tân (Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) khoảng 19,1km (qua Bình Dương 9,1km và qua Đồng Nai 10km), đoạn từ Phước Tân đến cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dài khoảng 42,2km.

Bình Dương đang đầu tư nhiều hạ tầng quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội

Hiện nay, Bình Dương cũng đang đồng loạt triển khai nhiều dự án đường Vành đai và cao tốc kết nối liên vùng. Chẳng hạn, dự án đường Vành đai 3 đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM đã được khởi công từ tháng 6/2023. Trong đó, đoạn qua Bình Dương có tổng chiều dài toàn tuyến 26,6 km, với mức đầu tư 19.280 tỉ đồng.

Dự án bao gồm nút giao Tân Vạn dài 2,393 km; đoạn đường từ P.Bình Chuẩn (TP.Thuận An) đến sông Sài Gòn dài 8,9 km; đoạn trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km (đã được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng, hiện tại đang khai thác với quy mô 6 làn xe đường đô thị).

Trong khi đó, dự án đường Vành đai 4 kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM cũng đang được các địa phương hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công.

Đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn) có chiều dài hơn 47km, tổng vốn đầu tư dự kiến 18.247 tỉ đồng. Dự án được đâu tư theo hợp đồng PPP, loại hợp đồng BOT. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được khởi công vào đầu năm 2024.

Đối với tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, tỉnh Bình Dương đang có kiến nghị được làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư đoạn dài 45,6km (từ vành đai 3 TP.HCM đến ranh tỉnh Bình Dương và Bình Phước).

Trong đó, phần giải phóng mặt bằng khoảng 7.388 tỉ đồng, đầu tư từ ngân sách trung ương hỗ trợ. Phần xây lắp khoảng 8.808 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.