Để phát huy tối đa lợi thế giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với chuyên gia Pháp lập quy hoạch không gian công cộng, thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái trên địa bàn.

Tôn vinh các công trình kiến trúc có giá trị

Cuối tháng 6 vừa qua, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức tọa đàm về dự án "Quy hoạch không gian công cộng và thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái tại quận Hoàn Kiếm".

Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Viện PRX - Đại diện vùng Ile-de-France (Pháp) tại Việt Nam và đơn vị tư vấn DE-SO (Pháp) nghiên cứu xây dựng “Dự án quy hoạch không gian công cộng và thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái tại quận Hoàn Kiếm”.

Phối cảnh dự án theo nghiên cứu tư vấn của chuyên gia Pháp

Cụ thể, phương án nghiên cứu của Công ty tư vấn DE-SO đưa ra là phát triển các không gian xanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, kết hợp mở rộng các không gian cho người đi bộ, tôn vinh các công trình kiến trúc có giá trị trong phạm vi dự án, gắn với việc tu bổ công trình và chiếu sáng cảnh quan.

Trong đó đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án cải tạo cảnh quan ba trục chính, tác động phát triển thương mại du lịch tại quận Hoàn Kiếm gồm tượng đài Vua Lý Thái Tổ với quảng trường Ngân hàng Nhà nước, vườn hoa Diên Hồng với công trình nhà khách Chính phủ và quảng trường Nhà hát lớn, gắn với tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Khay, hồ Hoàn Kiếm…

Trình bày dự án tại tọa đàm, chuyên gia Pháp cho rằng, mục đích của dự án nhằm nâng cao chất lượng không gian công cộng của Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung, phục vụ đời sống nhân dân Hà Nội và du khách đến với Hà Nội.

Ý tưởng đưa ra nhằm kết nối tất cả không gian xanh trong khu vực nghiên cứu, từ các vườn hoa công cộng đến các hàng cây, các tuyến phố, cùng với sử dụng chức năng các công trình kiến trúc, cảnh quan bên đường.

Chuyên gia Pháp cũng chỉ ra một số vấn đề cần thay đổi, như việc hiện nay, vỉa hè một số tuyến phố đang được sử dụng làm khu vực trông giữ xe, gây cản trở về thị giác; một số khu vực lát nền hè bằng nhiều vật liệu, không tạo sự đồng nhất; một số khu vực vườn hoa, công viên bị tôn cốt nền, bục cây, ảnh hưởng đến không gian mở…, không gian nghiên cứu hiện đã có nhiều không gian xanh, tuy nhiên, phải đặt vấn đề người dân được tiếp cận ở mọi góc độ.

“Phải loại bỏ một số đối tượng cản trở tầm nhìn đến các công trình kiến trúc chủ đạo”, đại diện chuyên gia Pháp nói.

Theo nghiên cứu của chuyên gia Pháp, trục không gian hướng đến các công trình chủ đạo là Ngân hàng Nhà nước, Nhà khách Chính phủ, Nhà hát lớn, đặc biệt là tuyến phố Tràng Tiền là trục không gian chủ đạo có vị trí đặc biệt quan trọng đối với thành phố. Xung quanh Nhà hát lớn cần mở rộng phần sân thềm ra phía trước, dành ưu tiên khoảng không gian cho người đi bộ kết nối không gian xanh hai bên, tạo ra quần thể công trình kiến trúc gắn kết với Bảo tàng lịch sử…

Phát huy giá trị, khẳng định tính Thủ đô

Tại tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành về kiến trúc, phát triển đô thị Việt Nam đã đóng góp ý kiến vào dự án. Cụ thể, theo ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đây là một dự án rất quan trọng để bảo tồn bộ mặt kiến trúc của khu vực trung tâm Thủ đô.

Phố Tràng Tiền, Hà Nội

Ông Chính cho rằng, cần tập trung vào phố Tràng Tiền, bởi đây là tuyến đường quan trọng nhất về văn hóa, thương mại, dịch vụ kết nối hồ Hoàn Kiếm đến Nhà hát lớn Hà Nội.

“Theo tôi, cần phải giao thêm cho tư vấn DE-SO hoặc có cuộc thi ý tưởng để xây dựng được quy hoạch kiến trúc của toàn tuyến phố này. Sau đó, sẽ tập trung tài chính bằng nhiều nguồn vốn để thực hiện. Đây là tuyến phố quan trọng là biểu tượng văn hóa thương mại của thủ đô mà mọi người dân Việt Nam mong ước”, ông Chính nói.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - Nguyên ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cũng cho rằng, dự án thể hiện sự tiếp cận và ứng xử phù hợp với một quần thể di sản đô thị, đặc biệt những đề xuất mang tính cải thiện – nâng cấp – tiện nghi hóa đều tinh tế và mang tính khả thi cao.

“Có thể coi đây là một ví dụ tốt để ứng dụng cho các thành phần đô thị khác của Thủ đô”, ông Kính nói.

Theo ông Kính phân tích, dự án này nằm trong khuôn khổ rộng lớn – công cuộc phát triển tiếp nối đô thị gồm 2 thành phần, vừa duy trì và phát huy giá trị của di sản đô thị, vừa củng cố và khẳng định tính thủ đô.

“Tính thủ đô gồm thứ nhất là cải tạo chỉnh trang nâng cấp và định hình kiến trúc. Thứ hai là nâng cấp, cải thiện và nhấn mạnh diện mạo đô thị. Diện mạo đô thị thủ đô phải có sự khác biệt, là tinh hoa”, ông Kính nói, đồng thời cũng nhấn mạnh nên lấy phố Tràng Tiền làm ưu tiên số 1 trong cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang, tạo một con phố sầm uất, đại diện cho thương mại, du lịchThủ đô.

Tăng mảng "xanh", thêm không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm

Cũng liên quan đến dự án này, các sở, ban, ngành Hà Nội đã có ý kiến góp ý. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án cần cân nhắc việc mở rộng vỉa hè đồng thời thu hẹp chiều rộng lòng đường tại các tuyến phố đang có lòng đường rộng (có nhiều làn xe, mỗi làn rộng đến 3m) để có giải pháp phù hợp với giao thông khu vực.

Cùng với đó, nên bổ sung thuyết minh về việc khai thác sử dụng các không gian đi bộ sau cải tạo khi dự kiến “quy hoạch thêm các tuyến phố đi bộ hoặc ngõ phố không có vai trò thiết yếu đối với các phương tiện giao thông”.

Dự án nghiên cứu theo hướng tăng không gian xanh, phục vụ người dân và du khách đến với Hà Nội

Về việc cây xanh che khuất tầm nhìn hướng đến Nhà hát lớn, Sở Xây dựng cho rằng, các cây xanh bóng mát tầm cao hiện có (cây sấu, bằng lăng…) trên phố Tràng Tiền được trồng chủ yếu tại đoạn phố từ ngã tư phố Ngô Quyền đến sát phạm vi Quảng trường Nhà Hát lớn thành phố, không nên di dời hoàn toàn các cây xanh bóng mát hiện có mà chỉ nên xem xét phương án cắt tỉa xây xanh tạo cảnh quan khu vực.

Trong khi đó, Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội đánh giá các giải pháp đề xuất đưa ra sẽ làm tăng lên sức hấp dẫn và tôn vinh, giữ gìn được môi trường và giá trị di sản của khu vực, tạo điều kiện thu hút du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, về ranh giới nghiên cứu, nên mở rộng nghiên cứu thêm về phía Tây của hồ Hoàn Kiếm nhằm kết nối thêm khu vực Quảng trường Nhà thờ lớn, trục phố Nhà Thờ, Nhà Chung; mở rộng thêm các không gian đi bộ trên các phố nhỏ có liên quan xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm và Tràng Tiền như phố Nguyễn Khắc Cần, phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ.

Về việc mở rộng vỉa hè trên những tuyến phố có bề rộng cho phép, mở rộng thềm Nhà hát lớn và cải tạo quảng trường, thay đổi đảo giao thông để phát triển không gian đi bộ, mổ rộng thêm không gian đi bộ với các ngõ phố nhỏ cần có ý kiến của Sở GTVTđể có giải pháp nghiên cứu kỹ lưỡng và tổ chức phân luồng giao thông, tránh xung đột trong giờ cao điểm,…

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng nhất trí “Dự án quy hoạch không gian công cộng và thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái tại quận Hoàn Kiếm”, kết hợp vườn hoa, công trình kiến trúc trọng điểm như Nhà hát lớn, vườn hoa Diên Hồng, Ngân hàng nhà nước. Từ đó tạo ra điểm nhấn trong khu trung tâm thành phố, tuyến phố đi bộ.

Sở cũng lưu ý cân nhắc việc trồng cây xanh trên tuyến phố Tràng Tiền theo hướng cây thấp tán nhỏ hoặc chủ yếu trang trí bằng bồn hoa, chậu hoa. “Việc mở rộng thềm Nhà hát lớn cần hết sức thận trọng, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử. Cần xử lý điểm đỗ xe, bãi đỗ xe cố định và tự phát", văn bản của Sở nêu.

  • Mở rộng không gian xanh đô thị

    Mở rộng không gian xanh đô thị

    Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh với nhiều dự án hạ tầng cơ sở, nhà ở đang mọc lên đồng nghĩa với việc không gian công cộng (KGCC), không gian xanh (KGX) ngày càng bị thu hẹp. Việc mở rộng các KGCC, KGX nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trường Phong (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.