Đồng Nai là địa phương có nhiều KCN, cụm CN tại Đông Nam Bộ với trên 400 ngàn CNLĐ. Đa phần số CNLĐ này phải “tự bơi” trong các khu nhà trọ xập xệ. Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhà lưu trú do các Cty xây cho CNLĐ vừa thiếu, vừa ế.

>>Chen chúc khu “ổ chuột”

Một khu nhà lưu trú cho công nhân hiếm hoi ở TPHCM - ảnh C.B

Sinh hoạt bằng nước ao, hồ


Ông Thái Doãn Hòa – Phó phòng Nhà ở - Sở Xây dựng - cho biết, trong thời gian qua, nhà ở cho công nhân phần lớn là do các hộ cá thể xây dựng cho thuê. Tuy nhiên, những khu nhà trọ do các cá thể xây dựng cho công nhân thuê khá nhếch nhác và tạm bợ. Các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ công nhân thiếu và chất lượng thấp, việc cấp điện, nước, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, thậm chí có 7 khu nhà trọ phải sử dụng nước ao hồ sinh hoạt.

Theo ông Hòa, việc các doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân là do gặp khó khăn khi làm các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng... Nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhà ở đăng ký đầu tư nhà ở cho công nhân, nhưng khi có được địa điểm thì lại không triển khai. Hoặc có những doanh nghiệp đầu tư nhà ở thương mại kết hợp nhà ở công nhân, nhưng chỉ tập trung đầu tư nhà ở thương mại mà quên đi đầu tư nhà ở cho công nhân.


“Ế” vì giá cao,khắt khe giờ giấc

Theo bà Nguyễn Phước Mạnh - Trưởng ban Nữ công LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - hiện trên địa bàn tỉnh cũng có một số doanh nghiệp đã xây dựng được nhiều khu nhà ở cho công nhân như: Cty Vedan VN, Cty nhựa TPC, Cty sản xuất gỗ Great Veca, Cty Choong Nam... Ở huyện Nhơn Trạch có một khu nhà ở dành cho công nhân hiện đại, đúng chuẩn, đó là KTX của Công ty Formosa (tại KCN Nhơn Trạch).

Khu KTX này cao 9 tầng có sức chứa trên 2.000 người. KTX được trang bị máy ATM, nhà ăn, tiệm cắt tóc, phòng thể thao. Nổi lên trong Khu công nghiệp Sông Mây (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) là 3 blốc nhà 4 tầng và một trường mầm non khang trang nằm trên 4ha. Đây là khu KTX dành cho công nhân của Tập đoàn Phong Thái và trường mầm non dành riêng cho con của công nhân làm việc tại các nhà máy thuộc tập đoàn này.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều chỗ chưa có công nhân vào ở. Ngoài việc mức giá quá cao, những khu nhà ở công nhân “ế” là do công nhân không quen với việc phải “đi đúng giờ, về đúng giấc” theo các nội quy giờ giấc, quy định tiếp khách, tiếp người thân... của khu nhà ở công nhân. Nhiều khu nhà ở công nhân lại quá heo hút, nằm cách xa chỗ làm việc, mua sắm, giải trí. Nhiều khu giá quá cao so với thu nhập của công nhân. Vì vậy, các doanh nghiệp xây nhà cho NLĐ thuê lại... ế. Bà Mạnh cũng phải thốt lên: “Giá thuê trọ mắc đến nỗi công chức còn không đủ tiền thuê thì công nhân sao mà ở được”.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - cho biết, hiện nay nhà ở cho công nhân do các Cty xây dựng mới chỉ đáp ứng được từ 18 - 19% nhu cầu nhà ở cho công nhân. Nhiều khu KTX chưa đảm bảo chất lượng nên công nhân chưa muốn vào”. Nhiều khu KTX lại chỉ đáp ứng nhu cầu cho các chuyên gia và cán bộ Cty chứ chưa đến được với công nhân.

Theo Sở Xây dựng, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 34 KCN tập trung với diện tích 11.000ha, đã thành lập 30 KCN với diện tích hơn 9.500ha, 43 cụm công nghiệp với diện tích 2.000ha. Tính đến cuối năm 2011, tổng số công nhân làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh vào khoảng 400 ngàn người, trong đó lao động nhập cư chiếm khoảng 60% trên tổng số lao động. Ước tính số công nhân KCN có nhu cầu thuê nhà ở chiếm gần 70%, tương đương con số gần 285 ngàn người.

Dự báo đến năm 2015, nhu cầu công nhân tại các KCN, cụm CN trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 120 ngàn người, trong đó nhu cầu nhà ở tăng thêm khoảng 80 ngàn người.
Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.