29/05/2012 2:15 PM
Với mức thu nhập thấp, còn thiếu trước hụt sau, nhiều CNLĐ phải tự chọn cho mình một chỗ ở “khiêm tốn” trong các khu nhà trọ ọp ẹp. Một chỗ ở đàng hoàng để ổn định cuộc sống vẫn chỉ là mơ ước!

Dãy nhà trọ cuối đường 37 - 39, quận 7, TPHCM - ảnh: Đăng Hải

Chật chội, hôi hám

Những căn phòng trọ chỉ 9 – 12m2, chen chúc 4-5 người, một góc dành làm bếp và nhà vệ sinh. Đồ đạc trong phòng phải chất đống hoặc treo lơ lửng trên tường. Đó là hình ảnh phần lớn những phòng trọ tự phát tại khu vực gần KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương; phường Tân Chánh Hiệp (quận 12); Bà Điểm (Hóc Môn); KCN Vĩnh Lộc (Bình Chánh); KCN Tân Bình (Bình Tân), TPHCM... CN thuê ở mà chúng tôi chứng kiến.

Cô CN trẻ Bùi Thị Yến – làm việc tại KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương cùng 4 người bạn trọ tại dãy nhà lụp xụp, mái tôn đã han gỉ nằm sâu trong con hẻm gần cầu vượt Bình Phước - tâm sự: Giá phòng trọ 12m2 các bạn đang thuê có giá 1,2 triệu đồng/tháng.

Lương CN may cộng tiền thưởng chuyên cần, làm thêm giờ của Yến tổng cộng khoảng 3 triệu đồng/tháng. Theo Yến, để tiết kiệm được chút tiền gửi về quê thì phải thuê phòng trọ rẻ tiền. Nguyễn thị Út (Bến Tre) – làm việc tại Cty Palasce KCX Tân Thuận, ở thuê tại dãy phòng trọ gần rạch Bần Đôn, quận 7 - TPHCM - than: “Để không thiếu trước, hụt sau và tiết kiệm, chúng em đành phải thuê loại phòng trọ rẻ tiền, giá chỉ 900.000 đồng này, chưa tính tiền điện, nước. Tiền nào của ấy, 4 đứa ở một căn phòng rộng 9m2, khi ngủ chỉ cần một đứa trở mình là cả phòng tỉnh dậy hết”.

Theo Út, Cty cũng có nhà lưu trú cho CN nhưng thủ tục đăng ký phức tạp lại không được nấu ăn. Việc ra vào, đi lại phải theo giờ quy định và phải có thẻ, rất bất tiện nên đành thuê ở bên ngoài cho tiện. Trong lúc nói chuyện, mùi hôi thối từ rác thải, bao nylon, xác chết động vật... nổi dưới kênh Bần Đôn bốc lên nồng nặc.

Nhà lưu trú - như muối bỏ bể

Chị Nguyễn Thị Muốt - CN Cty dệt lưới Sài Gòn, trọ tại KP3, Hiệp Bình Chánh, quận 12 - cho rằng: “Ai cũng muốn có một chỗ ở đàng hoàng, nhưng CN nghèo như vợ chồng tôi thì chỉ đủ tiền thuê những phòng trọ nhỏ, hẹp và rẻ tiền. Còn nhà lưu trú, chỉ là giấc mơ”.

Chị Bích Hạnh – Chủ tịch Công đoàn các KCX – KCN tỉnh Bình Dương - cho biết, Bình Dương có 28 KCX – KCN với trên 300.000 LĐ đang làm việc, trong đó 80% là người ngoại tỉnh. Nhu cầu nhà lưu trú cho CN là rất lớn. Tuy nhiên, mới có Cty CP Hưng Thịnh, Full In (KCN Đồng An); Tân Hiệp Phong (KCN Sóng Thần); Her Kuang (KCN Việt Hương)... và Hoàng Sơn (KCN Phú Gia) có xây nhà lưu trú cho CN chưa tới 1.000 phòng.

Theo ông Nguyễn Tấn Định - Phó Trưởng ban quản lý các KCX – KCN TPHCM, để hỗ trợ kịp thời cho NLĐ, đã có 3 DN triển khai xây dựng nhà lưu trú là Sadeco, Đức Bổn và Palasce với gần 6.000 chỗ trọ; KCX Linh Trung có 2 DN là Thiên Phát, Trung Thịnh với 4.000 chỗ; KCN Tân Tạo, 1.440 chỗ; Hiệp Phước, 1.500 chỗ; Vĩnh Lộc: 3.500 chỗ; Tân Bình, 3.800 chỗ... Tổng cộng gần 160.000 chỗ.

Ông Định cho biết, nhà lưu trú vẫn như “muối bỏ bể” nhưng một số nơi nhà xây xong, khá khang trang, CN vào ở thì ít mà người bên ngoài thuê lại nhiều. Vấn đề này, ban quản lý đang cho thanh tra làm rõ.

Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.