26/10/2017 1:50 PM
Trong khi nhiều người dân tại Hà Nội đang phải sống trong cảnh thiếu nhà đất, thiếu nhà, quỹ nhà giá rẻ luôn trong tình trạng thiếu cung thì ngay giữa thủ đô lại tồn tại nghịch cảnh ký túc xá nghìn tỷ xây xong “ế” sinh viên, cả trăm căn hộ tái định cư bỏ hoang hơn 10 năm rồi xin phá bỏ.
Ký túc xá nghìn tỷ ‘thoát xác’ thành nhà ở xã hội
Ký túc xá nghìn tỷ xây xong “ế” sinh viên là thực trạng tồn tại ở dự án Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai – Hà Nội). Khu nhà gồm có 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) cao 19 tầng với hơn 1.400 phòng. Theo thiết kế, khu này có khả năng đáp ứng chỗ ở cho hàng vạn sinh viên.
Dự án được khởi công từ tháng 9/2009. Tháng 1/2015, 3 tòa nhà cao tầng khang trang được đưa vào khai thác có khả năng đáp ứng nhu cầu ở của 1,1 vạn sinh viên. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, công suất khai thác của 3 tòa nhà A1, A5, A6 chỉ đạt khoảng 30% do những bất cập về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông.
Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai – Hà Nội) được xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, một số tòa đã đi vào hoạt động gần 3 năm nhưng chỉ đạt khoảng 30%, nhiều hạng mục đã thi công xong phần thô nhưng do chưa có nguồn vốn nên dừng triển khai (Ảnh Seatimes).
3 tòa nhà sinh viên chưa vào ở hết, trong khi đó 2 tòa nhà cao tầng A2, A3 đã xây xong phần thô từ lâu nhưng chưa được hoàn thiện, vẫn nằm phơi nắng phơi mưa gây lãng phí trong thời gian dài.
Tổng vốn đầu tư của toàn dự án nhà ở sinh viên này là gần 1.500 tỷ đồng được trích từ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP). Tuy nhiên do biến động giá cả tổng mức đầu tư bị tăng thêm hơn 300 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội do không bố trí được tiếp nguồn vốn nên dự án đang dang dở.
Kim tiêm chất đống cạnh khu nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp (Ảnh: Kim Yến/VietNamNet)
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị chuyển đổi mục đích sử dụng 3 hạng mục đầu tư thuộc Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội để bán cho nhóm đối tượng thu nhập thấp. Bộ Xây dựng đã đồng ý với đề xuất này của Hà Nội.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, một số dự án thu hút sinh viên không tốt trong khi quỹ nhà ở xã hội chưa được lớn. Bộ Xây dựng đồng ý chủ trương chuyển đổi của UBND TP. Hà Nội nhưng phải tuân thủ nguyên tắc việc chuyển đổi từ vốn TPCP thành vốn xã hội hóa có ưu đãi phải tính toán cụ thể, làm sao thu hồi được vốn ngân sách đã đầu tư.
Vấn đề thứ 2 là đối tượng ở sau chuyển đổi là các hộ gia đình. Kèm theo đó là hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, vui chơi giải trí… cần phải được tính toán cho phù hợp.
Trong khi đó, TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ nghịch lý: Sinh viên thì luôn luôn cần nhà nhưng tại sao loại hình bất động sản nhà ở sinh viên lại ế không phải bán mà chỉ cho thuê thôi cũng ế.
“Ở đây cũng đặt ra câu hỏi đặt ra lúc làm dự án anh có nghiên cứu gì không? Đây là đầu tư bằng tiền nhà nước, đầu tư không hiệu quả thì nhà nước chịu. Đặt ra như vậy để thấy rằng, còn có vấn đề đạo đức công vụ ở đây. Khi nói đến đầu tư công cần phải nhấn mạnh cái đó để tăng cường kiểm soát” – ông Liêm thẳng thắn đặt vấn đề.
“Vấn đề chuyển đổi cần có sự đánh giá, nhìn nhận, nghiên cứu đặt ra nhiều vấn đề. Tránh việc để cái trước đã không nghiên cứu sinh ra ế cái mới nếu không nghiên cứu thì cũng sẽ ế” – vị Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh.
Bỏ hoang 150 căn hộ tái định cư cả thập kỷ rồi xin phá bỏ
Những ngày qua, thông tin Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (HANCO3) vừa đề xuất thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ 3 toà nhà tái định cư thuộc khu đô thị mới Sài Đồng đã xây dựng xong cách đây hơn 10 năm do người dân không nhận nhà được dư luận chú ý.
Khu nhà tái định cư bỏ hoang hơn 10 năm giữa thủ đô đang được HANCO3, chủ đầu tư đề xuất phá bỏ toàn bộ (Ảnh: Hồng Khanh/VietNamNet).
Khu nhà được xây 6 tầng không có thang máy với 150 căn hộ. Đây là dự án nhà tái định cư tại chỗ của dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong Khu đô thị Sài Đồng do HANCO3 làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2001-2006. Do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay.
Trước đề xuất phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà của chủ đầu tư, Sở Xây dựng đã họp với chủ đầu tư và có đề nghị HANCO3 thuê đơn vị tư vấn để xây dựng, đồng thời so sánh giữa 2 phương án một là, cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội. Hai là, phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới. Tuy nhiên đến nay chủ đầu tư vẫn chưa có báo cáo.
Chuyên gia bất động sản cho rằng, đây là một điển hình về việc đầu tư xây dựng duy ý chí cũng cho thấy sự bất hợp lý trong chính sách tái định cư (Ảnh: Hồng Khanh/VietNamNet).
Tại Hà Nội, hiện nay cũng còn tới gần 1000 căn hộ tái định cư đã xây xong từ lâu nhưng chưa bàn giao cho người dân. Nguyên nhân do nhiều dự án giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, khiếu kiện. Nhìn cảnh những căn hộ phơi nắng, phơi sương cả thập kỷ bỏ hoang không người nhận nhiều người không khỏi xót xa.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, đây là một điển hình về việc đầu tư xây dựng duy ý chí cũng cho thấy sự bất hợp lý trong chính sách tái định cư.
Hồng Khanh (VietNamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.