Mặc dù nhu cầu về nhà tái định cư đang hết sức cấp bách nhưng Hà Nội vẫn còn cả nghìn căn hộ bỏ hoang, chưa bàn giao hoặc bàn giao mà người dân không nhận đang xuống cấp. Vì sao có nghịch lý này?
Nhà A14 khu đô thị Nam Trung Yên còn hàng trăm căn hộ chưa bàn giao được cho người dân. Ảnh: Minh Tuấn.
Chất lượng nhà quá kém
Nguyên nhân dẫn đến việc 150 căn hộ tái định cư Sài Đồng do Handico3 làm chủ đầu tư bị bỏ hoang cả chục năm qua vì chất lượng xây dựng và hạ tầng của khu nhà khá thấp so với các dự án nhà thương mại giá rẻ kề bên. Đập vào mắt chúng tôi ngay từ màu sơn, thiết kế, vật liệu làm cửa sổ, đến chất lượng hoàn thiện cầu thang, hành lang, quản lý dịch vụ…đều có sự khác biệt rất lớn.
Nhiều tấm nẹp cửa, thùng đựng rác, tủ đựng công tơ điện sau nhiều năm đã rệu rã, bong tróc, vỡ vụn. Sau 17 năm triển khai dự án, đến nay khu nhà thực sự trở nên quá lạc hậu và càng không thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển đô thị khẳng định thời gian qua đã giới thiệu người dân một số dự án đến khu tái định cư Sài Đồng nhưng họ không nhận nhà.
Đưa PV Tiền Phong thực địa tại một căn hộ tái định cư cạnh đường Lê Văn Lương, một cán bộ công tác tại Bộ Ngoại giao cho biết: Ngay khi nhận bàn giao, hầu hết thiết bị vệ sinh đều bị hỏng, điện nước chập chờn. “Khi tôi nhận nhà, bên trong vẫn còn một ít chăn màn, giấy vệ sinh, xô chậu. Có thể căn hộ đã bị cho thuê lại trước khi bàn giao”, vị cán bộ nói.
Tại hàng loạt khu nhà tái định cư lớn như Nam Trung Yên, khu 7,2 ha thuộc quận Ba Đình, khu tái định cư Đền Lừ, Lê Văn Lương...tình trạng xuống cấp công trình, dịch vụ quản lý khá nhếch nhác và không đáp ứng được yêu cầu đã gây bức xúc nhiều năm qua.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, quỹ nhà tái định cư nhiều năm nay giao cho Ban quản lý dự án các quận huyện, sở ngành triển khai theo hình thức đầu tư công rồi chuyển giao cho Công ty quản lý, nhà Hà Nội quản lý vận hành. Có tình trạng không gắn được trách nhiệm của các bên triển khai xây dựng dự án với quản lý vận hành, chất lượng nhiều khi bị thả nổi!
Ngày 24/10, HĐND thành phố Hà Nội cho biết, qua các lần kiểm tra, giám sát, thực trạng chất lượng và quản lý vận hành nhà tái định cư bộc lộ nhiều tồn tại lớn. Cử tri nhiều xã phường, quận, huyện phản ánh về thực trạng này và kiến nghị cần phải điều chỉnh quy định về nhà tái định cư. Theo quy định khi giải phóng mặt bằng phải có nhà tái định cư. Nhưng dự án GPMB thường chậm nên nhà đành “để hoang”.
Phải xoá bỏ “bầu sữa” ngân sách
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, một trong những nguyên nhân của tình trạng nhà tái định cư chất lượng thấp như hiện nay đó là vì đang được xây dựng theo hình thức đầu tư công. “Hà Nội đang có khoảng 166 toà nhà tái định cư.
Mỗi năm thành phố bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để duy trì mà người dân vẫn kêu. Vì sao lại như vậy?, vị đại diện này đặt câu hỏi. Cũng theo vị lãnh đạo này, mặc dù thành phố tốn nhiều tiền ngân sách, phải cõng trên lưng nhiều cơ quan triển khai các dự án tái định cư nhưng cuối cùng số người dân thực sự sống lâu dài tại các khu tái định cư này rất ít, chỉ chiếm khoảng 30%. Còn lại đều đã bán nhà để chuyển đến nơi phù hợp hơn!”.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi năm trung bình thành phố cần từ 1.500-2.000 căn hộ tái định cư, tương đương với khoảng trên 2.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng. Đây là số tiền được trích ra hoàn toàn từ ngân sách. Những năm vừa qua, phương thức đầu tư xây dựng nhà tái định cư bộc lộ nhiều bất hợp lý.
Không gắn được trách nhiệm của đơn vị xây dựng với quản lý vận hành sau đầu tư. Chất lượng xây dựng nhiều nơi bị buông lỏng”, đại diện Sở Xây dựng thừa nhận.
Phải chăng cơ chế đầu tư bằng ngân sách như vừa qua khiến các dự án tái định cư dường như đã trở thành “bầu sữa ngọt” cho không ít người. Và tình trạng cả nghìn căn hộ phải bỏ hoang trong khi thành phố vẫn thiếu nhà tái định cư cũng không phải là điều khó hiểu?
Handico3 có quyền phá bỏ 150 căn hộ tái định cư?
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, vốn đầu tư 150 căn hộ tái định cư do Handico3 bỏ ra và thực hiện tái định cư tại chỗ cho dự án. Handico3 đã thực hiện cổ phần hoá nên quyết định với khối tài sản là 3 toà nhà này phải có ý kiến của Hội đồng quản trị. Việc xây dựng nhà cao tầng sau đó trên khu đất này phải được sự chấp thuận của thành phố. Sở Xây dựng cũng cho biết thêm, việc phá dỡ công trình này phải được sự chấp thuận của thành phố cho dù là nguồn vốn nào.
Minh Tuấn (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.