Trong bối cảnh hiện nay, sự kiện này được sự quan tâm với góc độ khác nhau từ nhiều phía. Với các nhà hoạch định chính sách, trong khi chờ đợi đề xuất giải cứu thị trường BĐS thì đây là thời điểm để các nhà đầu tư kinh doanh có năng lực khẳng định vị thế và thương hiệu đồng thời thanh lọc những Cty non yếu kinh doanh BĐS bằng nguồn vốn vay mượn từ người khác. Một mặt các chủ đầu tư đến kỳ đáo hạn thiếu kinh phí trang trải cần xả hàng trước các dự án này bị thu hồi siết nợ. Mặt khác xuất phát từ nhu cầu và lợi ích chính đáng của người mua, họ cần và họ mong muốn một cơ hội được tiếp cận trực tiếp với chủ đầu tư, tìm hiểu dự án và được mua với giá trị thực. Và dù ở phương diện nào đi chăng nữa, thì sức hút từ thỏi nam châm “giá gốc” thực sự là sự kiện gặp gỡ của những nhu cầu từ nhiều phía, có thể nói đây là mũi tên trúng nhiều đích và được dư luận đánh giá là đã “gãi đúng chỗ ngứa”.
Nhưng theo nhiều chuyên gia và trong chính tờ thông báo chương trình của sự kiện này cũng đã đề cập, đây là đợt để các doanh nghiệp BĐS xả hàng trong tình cảnh thị trường đóng băng, bán nhà dưới giá gốc còn không ai mua.
Trên thực tế thời điểm này, hầu hết các dự án chung cư, đất nền liền kề, biệt thự tại các khu vực như Mỹ Đình, Hà Đông, Vân Canh, Mê Linh... gần như là án binh bất động, vì không có người hỏi mua. Đơn cử như giá chung cư tại Văn Khê, Trung Văn, Từ Liêm... chỉ khoảng ba tháng trước vẫn được các sàn và chủ nhân rao bán 34 triệu/m2. Thế nhưng, hiện, giá chỉ còn khoảng 26 -28 triệu/m2, giảm khoảng 15%. Trong khi đó, các lô đất liền kề ở dự án Geleximco, cuối năm 2010 vẫn ở mức trên 60 triệu đồng/m2, nhưng nay đã được khách hàng gửi bán tại các sàn với giá chỉ khoảng 47 triệu đồng/m2. Còn ở dự án Vân Canh, Nam An Khánh (Hoài Đức), trước Tết Nguyên đán, giá đất liền kề ở đây cũng trên 45 triệu đồng/m2, nay phần lớn được rao bán ở mức 35 triệu đồng/m2 nhưng cũng không có khách mua.
Thêm nữa, giá gốc ở đây là so với giá nào, so với thời điểm nào khi mà giá các căn hộ chung cư, đất nền trên thị trường Hà Nội luôn bị thổi giá chóng mặt trước đây? Đó là chưa nói đến chuyện giá của 1m2 căn hộ chung cư tại Hà Nội dù đã giảm nhiều so với hồi đầu năm, nhưng vẫn ở mức cao ngất ngưởng so với giá của 1m2 căn hộ cùng phân khúc tại TP HCM.
Lâu nay, chiêu bán hàng của chủ đầu tư là ngoài phần lợi nhuận của mình, chủ đầu tư thường bán ra thị trường với giá cao hơn từ 1 – 2 triệu đồng/m2 để khuyến khích được các nhà đầu tư thứ cấp đua nhau “lướt sóng” căn hộ tại dự án. Thông thường, chủ đầu tư sẽ dành một khoản tiền từ 10 – 20% trong giá thành của căn hộ để chiết khấu cho nhà đầu tư.
Hay còn có cái gọi là “Nhà dưới giá gốc” chưa chắc đã rẻ, vì ban đầu chủ đầu tư đã đưa ra giá quá cao. Hoặc chủ đầu tư đưa ra nhiều giá ở nhiều thời điểm khác nhau, nên giá nào cũng là… giá gốc.
Chính sự lập lờ này nếu người mua không truy vấn thông tin kỹ, có thể bị mua hớ với giá cao. Vì trong bản hợp đồng do chủ đầu tư bán ra, giá “gốc” là giá cuối cùng, cao nhất vào thời điểm sốt giá, còn giá đầu tiên lại không thể hiện. Vì vậy, người mua cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về căn hộ này trước kia. Nếu nhìn vào hồ sơ hợp đồng, rất dễ mắc bẫy “giá gốc”. Ví dụ giá đất liền kề tại khu đô thị Vân Canh do Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị làm chủ đầu tư hiện được rao bán trên thị trường với giá từ 40 – 60 triệu đồng/m2.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, hiện nay, các quan hệ mua bán trên thị trường đều phụ thuộc quy luật cung - cầu, giá trị sử dụng. Do đó, khách hàng thời nay phần lớn không quan tâm đến việc doanh nghiệp làm ra sản phẩm đó mất bao tiền (thậm chí nhiều khi đó là bí mật không được biết). Họ chỉ quan tâm giá thành sản phẩm đó có hợp lý và họ có chấp nhận hay không. Do đó, chênh nhiều hay chênh ít là câu chuyện của thị trường.