VinFast chính thức lên sàn chứng khoán Mỹ.
Cổ phiếu VFS của VinFast mở cửa ở mức 22 USD/cổ phiếu, cao hơn gấp đôi so với mức 10 USD một cổ phiếu đã thỏa thuận với đối tác SPAC của VinFast.
Cổ phiếu này đã tăng mạnh hơn nữa trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Mỹ và kết thúc phiên ở mức 37,06 USD/cổ phiếu.
Với mức giá hơn 37 USD/cổ phiếu, VinFast có vốn hóa thị trường hơn 86 tỷ USD. Con số này nhiều hơn tất cả các công ty khởi nghiệp xe điện của Mỹ cộng lại và nhiều hơn các nhà sản xuất ô tô lớn như Ford Motor, GM, Stellantis, BMW (Đức), Volkswagen (Đức), Tập đoàn Mercedes-Benz (Đức), và nhiều hãng xe khác.
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán của Mỹ S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,2% và 1,1% trong ngày giao dịch 15/8.
Đà tăng ngoạn mục của cổ phiếu VinFast đã bổ sung thêm 39 tỷ USD vào giá trị tài sản ròng của Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng, người có tài sản hiện ở mức 44,3 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Đây là ví dụ mới nhất về một công ty giao dịch mỏng tăng vọt khi ra mắt sau khi hoàn tất việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), theo Bloomberg.
De-SPAC - thuật ngữ chỉ các công ty ra mắt công chúng thông qua sáp nhập SPAC - ra mắt lần đầu trong năm nay đã chứng kiến sự sụt giảm trung bình khoảng 45%, với 18 công ty trong số đó mất hơn 70% giá trị, theo dữ liệu biên soạn bởi Bloomberg.
Hồ sơ pháp lý cho thấy, ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, kiểm soát trực tiếp và gián tiếp 99% cổ phần đang lưu hành của công ty, chủ yếu thông qua tập đoàn của ông, Công ty Cổ phần Vingroup. Số cổ phần lớn đó hạn chế số lượng cổ phiếu có sẵn cho các nhà đầu tư khác giao dịch, nghĩa là cổ phiếu có xu hướng dao động lớn. Chỉ số Tỷ phú của Bloomberg trước đây chưa bao gồm cổ phần của ông Vượng trong nhà sản xuất ô tô do ông thành lập vào năm 2017.
Nếu VinFast có thể giữ vững lợi nhuận của mình, thì công ty sẽ ở một vị trí hơi độc nhất do hiệu suất ảm đạm của các nhà sản xuất ô tô điện khác được niêm yết thông qua SPAC, bao gồm Lordstown Motors Corp., Nikola Corp. và Faraday Future Intelligent Electric Inc., tất cả đều thua lỗ hơn 90% giá trị thị trường kể từ khi sáp nhập.
Việc sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) đã giúp VinFast niêm yết tại thị trường mà người sáng lập Phạm Nhật Vượng hy vọng sẽ soán ngôi đầu ngành của hãng xe điện Tesla do tỷ phú Elon Musk sáng lập.
Giám đốc tài chính David Mansfield của VinFast nói với Reuters: "Chúng tôi có một số nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tổ chức đang xếp hàng. Chúng tôi dự kiến sẽ hình thành một số hình thức huy động vốn trong vòng 18 tháng tới, chắc chắn là như vậy".
Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities cho biết: “Phố Wall đang hướng sự chú ý vào những người dẫn đầu trong lĩnh vực tiếp theo này với nhiều người chiến thắng, cùng với Tesla, trong làn sóng thủy triều xe điện xanh này sẽ diễn ra trong những năm tới”.
Giám đốc điều hành VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết công ty đang thay đổi mô hình phân phối dựa trên cách tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng của Tesla và dự kiến sẽ hợp tác với các đại lý ở thị trường nước ngoài.
Trong 6 năm hoạt động, VinFast đã huy động được 9,3 tỷ USD để trang trải chi phí hoạt động và vốn, phần lớn đến từ các hoạt động kinh doanh khác của ông Vượng.
Công ty đã bắt đầu xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina vào tháng trước, dự báo doanh số bán hàng sẽ đạt 45.000 đến 50.000 trong năm nay và ông Vương dự đoán sẽ hòa vốn vào cuối năm 2024.
VinFast đã lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo cách bình thường, nhưng đã hủy bỏ kế hoạch đó và chọn niêm yết thông qua SPAC sau khi sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các công ty khởi nghiệp thua lỗ giảm dần trong năm qua. VinFast đã hợp nhất với công ty SPAC được thành lập bởi ông trùm sòng bạc Lawrence Ho.
-
VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ với vốn hóa 50 tỷ USD
VinFast đã rung chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market, chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng trên sàn chứng khoán Mỹ.