Mặc dù thị trường thép trong nước bước đầu khởi sắc sau thời gian dài khó khăn, song nhập khẩu thép thành phẩm và thép nguyên liệu về Việt Nam ngày càng tăng cao cả về lượng lẫn kim ngạch trong năm 2022.

Thép mắc kẹt ở đầu ra

Tình hình bán hàng thép xây dựng của các doanh nghiệp trong nước đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, lượng thép bán ra vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam tiếp tục nhập siêu mặt hàng sắt thép trong 10 tháng đầu năm 2022

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính trong tháng 11/2022, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng các doanh nghiệp trong nước ở mức 1,94 triệu tấn, tăng gần 3% so với tháng 10 nhưng giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Những con số nói trên thể hiện sức tiêu thụ của ngành thép đã tăng trưởng cao hơn so với dự kiến sản xuất trong tháng. Sản xuất của toàn ngành thép trong tháng 11 chỉ cầm chừng với 1,83 triệu tấn, giảm 10,8% so với tháng 10 và giảm 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau 11 tháng đầu năm 2022, cả nước đã sản xuất được 27,12 triệu tấn thép các loại, tiêu thụ thép ở mức 25,12 triệu tấn, lần lượt giảm 11,3% và 6,8% so với cùng kỳ.

VSA cho rằng nhu cầu tiêu thụ yếu trong thời gian qua đã khiến giá thép xây dựng nội địa tiếp tục điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép mới đây đã buộc phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm do nguyên vật liệu tăng. Điều này khiến cho đầu ra của sản phẩm thép vốn đã chậm nay lại càng thêm khó khăn.

Với mặt hàng thép xây dựng, sản lượng sản xuất tháng 11 đạt 682.800 tấn, giảm 5,3% so với tháng trước, và giảm 37,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng trong giai đoạn này đạt 874.631 tấn, tăng 22,7% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 97.462 tấn, giảm 52,5% so với tháng 11.2021.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã sản xuất và tiêu thụ cùng được cũng mức 11,2 triệu tấn thép xây dựng, lần lượt giảm 1% và tăng 3,3% so với cùng kỳ 2021.

Với thép cuộn cán nóng (HRC), do nhu cầu suy yếu và nhiều nhà máy chủ động cắt giảm quy mô nên lượng thép sản xuất trong tháng 11 chỉ đạt 426.393 tấn, giảm 8,27% so với tháng 10 và giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng đạt 463.114 tấn, giảm 18,38% so với tháng trước và giảm 21% so với cùng kỳ 2021.

Trong 11 tháng đầu năm, sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 5,7 triệu tấn, giảm 12,5% và bán hàng đạt 5,8 triệu tấn, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt 1,1 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện các mặt hàng sắt thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án bất động sản và đầu tư công. Tuy nhiên, nhóm dự án địa ốc gần như bị đóng băng khi thị trường bất động sản gặp khó về pháp lý, vốn, thanh khoản...

Mặt khác, giai đoạn cuối năm, ngành thép thường hưởng lợi từ yếu tố mùa vụ khi người dân có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà cửa, công trình... ngày càng cao. Tuy nhiên, nhóm này chiếm tỉ trọng cũng không quá lớn.

Đầu vào tăng đột biến

Trong những năm gần đây, ngành sản xuất thép trong nước đã có những bước phát triển đáng kể nhưng vẫn còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Hạn chế lớn nhất của ngành thép là mới chỉ đáp ứng được nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, hoặc công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng được.

VSA cho rằng, mặc dù thị trường thép trong nước bước đầu mới có khởi sắc sau thời gian dài khó khăn, nhưng lượng thép nhập khẩu trong giai đoạn này lại tăng cao đột biến. Từ việc xuất siêu trong năm 2021, Việt Nam đã nhập siêu một lượng lớn sắt thép trong năm 2022.

Đơn cử, nếu chỉ tính trong tháng 10.2022, thì lượng thép thành phẩm Việt Nam đã nhập là 831 triệu tấn, tăng 11,8% về lượng và tăng 2,86% về trị giá so với tháng trước và giảm 9,15% về lượng và giảm 21,43% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 10 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm vào Việt Nam đạt tới 10.829.000 tấn, với kim ngạch nhập khẩu là 6,641 tỉ USD. Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam trong giai đoạn này bao gồm: Trung Quốc (44,11%), Nhật Bản (15,65%), Hàn Quốc (11,11%), Đài Loan (9,74%) và Ấn Độ (8,55%).

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam trong tháng 10.2022 đạt 531.000 tấn, giảm 0,25% so với tháng trước và giảm 57% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 434 triệu USD, tăng 1,17% so với tháng 9 nhưng giảm 65,66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau 10 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7 triệu tấn thép các loại với trị giá 6,945 tỉ USD, giảm 36,92% về lượng và giảm 28,92% về trị già so với cùng kỳ năm 2021.

Những con số xuất khẩu và nhập khẩu trên thể hiện sự mất cân bằng rất lớn, cho thấy Việt Nam xuất khẩu được một thì lại nhập khẩu tới ba. Chính điều đang là rào cản lớn cho ngành sản xuất thép Việt Nam trong thời gian tới.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.