Ngành khách sạn ở Trung Quốc đã chứng kiến sự phục hồi ổn định trong 3 quý đầu năm 2023, nhờ sự bùng nổ của hình thức du lịch giải trí sau đại dịch, qua đó thúc đẩy nhu cầu về khách sạn và đẩy giá phòng tăng cao.

Theo công ty tư vấn dữ liệu bất động sản toàn cầu JLL, tỷ lệ lấp đầy, chỉ số đo đạc sự hiệu quả trong ngành khách sạn, tại Trung Quốc đạt 68,4% trong 9 tháng đầu năm 2023, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm đại dịch chưa bùng phát.

Theo một báo cáo được công bố vào ngày 19/10 bởi công ty phân tích ngành khách sạn STR, công suất thuê phòng thậm chí còn đạt kỷ lục 83,1% trong kỳ nghỉ “tuần lễ vàng” kéo dài 8 ngày, với phần lớn mức tăng trưởng đến từ các thành phố cấp thấp hơn, nơi chứng kiến lượng khách du lịch nội địa tăng cao.

Flora Zhu, giám đốc Nghiên cứu Doanh nghiệp Trung Quốc tại Fitch Ratings, cho biết “Công suất sử dụng tăng vọt được thúc đẩy bởi việc giải phóng nhu cầu du lịch bị dồn nén sau đại dịch. Ngoài ra, số chuyến bay phục vụ mục đích công tác cũng tăng sau dịp Tết, qua đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng phòng khách sạn”.

Trong khi đó, giá phòng trung bình hàng ngày (ADR), thước đo doanh thu từ số phòng có khách thuê trong ngành khách sạn, đạt mức 975,1 nhân dân tệ (133,3 USD) trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu của JLL.

Tỷ lệ lấp đầy và ADR được cải thiện đã đẩy doanh thu trên mỗi phòng sẵn có (RevPAR) của các khách sạn trên toàn Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay tăng 4,3% lên 640,4 nhân dân tệ so với cùng kỳ năm 2019.

ADR tăng lên là kết quả của sự mất cân đối giữa cung và cầu. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Khách sạn Trung Quốc, một cơ quan trong ngành khách sạn, chỉ tính riêng trong tháng 1, tổng số phòng của các khách sạn tại Trung Quốc đạt mức gần 14,3 triệu phòng, giảm gần 20% so với tháng 1/2020.

Trong vài năm qua, nhiều khách đã phải đóng cửa vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dẫn tới lượng phòng hiện tại giảm xuống. Khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế, giải phóng nhu cầu đi lại bị dồn nén, các khách sạn bình dân đã chứng kiến mức tăng giá đáng kể, mặc dù tỷ lệ lấp đầy chưa phục hồi hoàn toàn.

Trong khi đó, các chuỗi khách sạn tầm trung và cao cấp, nhờ ảnh hưởng thương hiệu và tính kinh tế theo quy mô, vẫn kiên cường trong thời kỳ đại dịch và mức tăng giá phòng của nhóm khách sạn này cũng ít hơn so với các khách sạn bình dân.

Các chuỗi khách sạn tầm trung và cao cấp sinh lợi nhiều hơn và số lượng của chúng tăng đều đặn trong những năm gần đây. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Khách sạn Trung Quốc, tính đến tháng 12/2022, số lượng chuỗi khách sạn tầm trung và cao cấp ở Trung Quốc tăng lần lượt 26,3% và 9,2% so với tháng 12/2019.

Xu hướng này cũng được phản ánh trong tình hình tài chính của các chuỗi khách sạn lớn nhất Trung Quốc. Ví dụ, khách sạn Jinjiang có trụ sở tại Thượng Hải báo cáo rằng họ có tổng cộng 6.984 khách sạn tầm trung tính đến quý III năm nay, đánh dấu mức tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, BTG Homeinns Hotels có trụ sở tại Bắc Kinh ghi nhận 1.654 khách sạn thuộc nhóm tầm trung và cao cấp trong quý III, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bất chấp sự chuyển hướng sang các chuỗi cao cấp, các khách sạn của Trung Quốc vẫn là những nơi có giá cả phải chăng nếu so sánh ADR với các thị trường khác tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, những quốc gia chứng kiến ADR tăng từ 30% đến 40% trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2023.

Anh Nguyễn (SCMP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.