11/09/2020 8:08 AM
CafeLand - Theo Thông báo Điều chỉnh Nhân sự và Tái Đào tạo Marriott nộp lên Sở Lao động bang Maryland đầu tháng này, Marriott có kế hoạch sa thải 673 nhân viên tại trụ sở chính ở bang Maryland, Mỹ vào ngày 23/10. Quyết định sa thải này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 17% nhân viên của công ty tại trụ sở chính.

Trước đó, Marriott đã cho nghỉ việc không lương hàng chục nghìn nhân viên vào tháng Ba do tác động khủng khiếp của đại dịch lên nhu cầu du lịch. Giám đốc điều hành Arne Sorenson của Marriott đã nhiều lần mô tả cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu lần này có ảnh hưởng xấu đến kinh doanh của tập đoàn hơn nhiều so với cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cộng lại.

Nhưng Sorenson cũng khẳng định rằng ông không thấy thiệt hại sẽ kéo dài đối với ngành khách sạn hoặc mô hình kinh doanh hướng đến khách hàng MICE của Marriott.

“Chúng tôi đã trải qua ba cuộc khủng hoảng, gồm Chiến tranh vùng Vịnh, các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008… Trong mỗi cuộc khủng hoảng, mọi người đều nói rằng du lịch sẽ không trở lại như trước đây. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều này không thực sự chính xác. Sẽ có những thay đổi trong hoạt động du lịch, nhưng mọi người vẫn luôn khao khát được dành thời gian bên nhau.”, Sorenson cho biết vào tháng trước tại một hội thảo trực tuyến.

Sean Hennessey, giáo sư tại Đại học New York cho biết, các công việc thiết kế và phát triển dự án có nhiều khả năng bị cắt giảm do hoạt động xây mới và cải tạo trong ngành khách sạn chững lại.

Hennessey nói: “Theo kinh nghiệm quan sát của tôi, hầu hết các công ty sẽ cố gắng dàn trải việc cắt giảm nhân sự tại tất cả các bộ phận để không bộ phận nào cảm thấy đơn độc hoặc bị đối xử không công bằng. Mọi người đều cảm thấy đau đớn trước các quyết định sa thải”.

Việc cắt giảm nhân sự của Marriott là động thái mới nhất trong làn sóng sa thải nhân viên, khi ngành khách sạn toàn cầu đang phải đương đầu với vấn đề mà có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều năm bất ổn sắp tới của hoạt động du lịch.

Trước quyết định trên của Marriott, Hyatt đã sa thải 1.300 nhân viên vào tháng Năm, Hilton đã cho thôi việc 2.100 nhân viên - tương đương với 22% lực lượng lao động của tập đoàn - vào tháng Sáu. Việc phải thắt lưng buộc bụng cũng khiến AccorHotels quyết định sa thải 1.000 nhân viên và bỏ ngỏ khả năng bán lại trụ sở chính của tập đoàn ở Paris.

Vào cuối tháng Tám, MGM Resorts - tập đoàn điều hành các khu nghỉ dưỡng và khách sạn tích hợp casino hàng đầu thế giới, đã tuyên bố kế hoạch sa thải đến 18.000 nhân viên tại các bất động sản trên toàn cầu.

Sorenson cho biết doanh thu từ danh mục đầu tư của Marriott tại Trung Quốc có thể trở lại mức trước đại dịch vào đầu năm sau. Trong khi đó, đơn vị cung cấp dữ liệu ngành khách sạn STR nhận định doanh thu của các khách sạn tại Hoa Kỳ phải đến năm 2024 mới có thể phục hồi hoàn toàn về mức của năm 2019.

  • Khách sạn châu Á sẽ sớm phục hồi khi chính sách hạn chế đi lại kết thúc

    Khách sạn châu Á sẽ sớm phục hồi khi chính sách hạn chế đi lại kết thúc

    CafeLand - Theo dữ liệu từ Công ty Jones Lang LaSalle (JLL), 2019 là một năm bội thu đối với thị trường đầu tư khách sạn của châu Á. Khối lượng giao dịch tăng 61% so với cùng kỳ năm 2018, vươn lên mức cao nhất mọi thời đại là gần 14 tỉ USD, so với mức giảm hơn 20% ở Bắc Mỹ và thị trường không biến động ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Lam Vy (Skift)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.