Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, khác với các năm trước, cuối năm nay, nhu cầu vốn của DN không tăng nhiều. Duy chỉ có lĩnh vực xuất khẩu là tương đối tốt. Trong đó, phải kể đến xuất khẩu gạo và cao su. Còn đối với nhập khẩu, theo ông Linh, tình hình không mấy chuyển biến, bởi nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) cuối năm không tăng và hầu hết DN chỉ nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
Các DN sản xuất, kinh doanh trong nước cũng chưa muốn sử dụng vốn vay để đầu tư, sản xuất, kinh doanh mới. Vì thế, cung vốn vẫn dồi dào, song cầu của DN không tăng đột biến, nên ngân hàng khó đẩy mạnh cho vay và chỉ kỳ vọng vào lĩnh vực xuất khẩu. “OCB đang tập trung vốn hỗ trợ DN. Trong đó, tập trung nhiều cho lĩnh vực xuất khẩu”, ông Linh cho biết.
Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM, tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước còn khó khăn, nhưng DN xuất khẩu vẫn tìm được thị trường và đầu ra cho sản phẩm, nên vốn cho lĩnh vực xuất khẩu luôn được ngân hàng ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông sản.
Eximbank là một điển hình, với thế mạnh tài trợ vốn trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, nên từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Lãi suất cho vay tiền đồng mà Eximbank tài trợ vốn đối với DN ở lĩnh vực này chỉ 7%/năm (theo lãi suất vay ngoại tệ). Tuy nhiên, các DN phải cam kết bán ngoại tệ lại cho Eximbank. Theo lãnh đạo Eximbank, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng trong 10 tháng đầu năm 2012 vẫn âm, với con số tương đối lớn (giảm trên 14%). Thế nhưng, Eximbank không đẩy vốn ồ ạt cho vay dịp cuối năm và vẫn kiểm soát được rủi ro nợ xấu gia tăng. Vì thế, đối với Eximbank, lĩnh vực tín dụng được kỳ vọng nhiều vẫn là xuất khẩu.
Trong rổ lãi suất mà các ngân hàng đang áp dụng với khối khách hàng DN, xuất khẩu luôn được hưởng mức ưu đãi nhiều nhất. Tại OCB, lãi suất cho vay tiền đồng đối với DN xuất, nhập khẩu thấp hơn 1 - 1,5%/năm (đối với VND) và 0,5 - 1%/năm (đối với USD) so với mức cho vay thông thường của Ngân hàng.
“Nhu cầu vốn của DN hiện vẫn có, song Ngân hàng cũng phải chọn lọc kỹ khách hàng trước khi trao vốn, đồng thời kiểm soát chặt chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu. Riêng với lĩnh vực xuất, nhập khẩu, OCB có những ưu đãi riêng để phát triển tín dụng”, ông Linh nói và cho biết thêm, xuất khẩu ở lĩnh vực nông sản đang có nhu cầu lớn về vốn. Các DN xuất khẩu lĩnh vực này có nguồn thu bằng ngoại tệ, nên OCB sẽ hỗ trợ cả vốn tiền đồng và ngoại tệ cho DN. Hiện lãi suất cho vay bằng ngoại tệ tại OCB dao động trong khoảng 5,5 - 6%/năm.
10 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng của OCB chỉ đạt khoảng 11%, nhưng riêng với khối khách hàng DN, tăng trưởng tín dụng đã đạt đến 23% và phần lớn thuộc về lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài ra, OCB cũng đang từng bước đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho các chủ đầu tư và khách hàng cá nhân ở lĩnh vực bất động sản (tài trợ 80 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long; tài trợ 100 tỷ đồng cho Hà Đô). Tuy nhiên, do nợ xấu tăng và chủ yếu rơi nhiều vào lĩnh vực bất động sản, nên OCB cũng khá thận trọng cung ứng vốn cho chủ đầu tư bất động sản.
Hiện các DN xuất khẩu chỉ chọn vay ngoại tệ (lãi suất 5,5 - 7%/năm), nhằm tránh áp lực lãi suất tiền đồng còn ở mức cao (13 - 15%/năm). Mặt khác, tỷ giá được dự báo sẽ ổn định từ nay đến cuối năm và kể cả năm tới, nên nhiều DN vẫn chuộng vay vốn ngoại tệ hơn.
Tuy nhiên, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank khuyến cáo, không nên mở rộng tín dụng ngoại tệ, DN có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ có thể mua USD để thực hiện, thay vì vay vốn ngoại tệ. Vì có thể trước mắt tỷ giá ổn định, vay vốn ngoại tệ là an toàn, nhưng trong tương lai, nếu có biến động, thì DN sẽ chịu rủi ro.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng cho rằng, DN nên thận trọng khi sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ và đừng quên bảo hiểm rủi ro tỷ giá.